Tỉ lệ bệnh nhân ung thư tăng: Chưa cao nhưng vẫn cần đề phòng!
Tỉ lệ người dân mắc bệnh ung thư đang tăng ở nhiều địa phương, với nguyên nhân rất khó xác định. Do đó, ngoài những yếu tố khách quan, việc thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý là một trong những điều nên làm để giảm nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Từ nỗi lo ở Phước Quang
Sau khi tiếp nhận ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XII, Sở Y tế đã chỉ đạo TTYT Dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) phối hợp với TTYT huyện Tuy Phước điều tra tình hình mắc, tử vong do ung thư ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Các đơn vị đã điều tra thực địa toàn bộ các hộ dân sống tại xã Phước Quang; điều tra, thống kê các trường hợp được ghi nhận đã tử vong do tất cả các nguyên nhân khác; phỏng vấn sâu các trường hợp đang mắc bệnh ung thư hoặc người nhà của người đã tử vong do ung thư; điều tra yếu tố môi trường, địa lý, tập quán, thói quen sinh hoạt gia đình; lấy mẫu nước ở các hộ gia đình có người mắc ung thư để xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, hóa, lý…
Số lượng người mắc ung thư ngày càng tăng, nên các cơ sở điều trị thường xuyên quá tải.
- Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị ung thư tại khoa Ung bướu - BVĐK tỉnh.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước sinh hoạt cho thấy, mẫu nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt của các hộ gia đình bị ô nhiễm do vi sinh vật (Coliform, E.coli) đều vượt tiêu chuẩn cho phép, nhưng chưa phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư như kim loại nặng trong nước. Người dân địa phương vẫn có thói quen tái sử dụng dầu thực vật, tình hình uống rượu bia, hút thuốc lá ở nam giới còn cao. Đa số các hộ gia đình đều sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phun lúa và cây hoa màu; số năm tiếp xúc với hóa chất bảo vệ thực vật trên 20 năm, số lần tiếp xúc trên 20 lần/năm, thời gian tiếp xúc trên 30 phút/lần phun. Phần lớn những người mắc và tử vong do ung thư đều không có phương tiện bảo hộ khi phun hóa chất bảo vệ thực vật. Nhà ở của người dân được bao quanh bởi ruộng lúa và đất canh tác, vì vậy, việc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hóa chất bảo vệ thực vật đối với người dân là khó tránh khỏi.
Theo điều tra, trong 5 năm (từ 2013 đến 2018), tổng số trường hợp mắc ung thư tại xã Phước Quang là 62 ca, tỉ suất mắc trung bình 89,6/100.000 người/năm. Ung thư gan chiếm tỉ lệ cao, với 18 trường hợp (29%); 15 người bị ung thư phổi (24,2%); ung thư dạ dày chiếm 20,9% so với tổng số ca mắc ung thư.
Tỉ lệ ung thư thấp hơn mức trung bình
Ðể đề phòng, ngăn ngừa, hạn chế mắc bệnh ung thư, mọi người nên sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, không ăn thực phẩm có nấm mốc, tìm hiểu để biết dấu hiệu sớm của bệnh ung thư, làm các xét nghiệm tầm soát bệnh ung thư, tham gia khám sàng lọc và phát hiện sớm một số bệnh ung thư, tiêm vắc - xin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung (đối với phụ nữ), khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 lần/năm. Ðưa trẻ em tiêm vắc - xin phòng bệnh viêm gan B trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt tỉ lệ 100%.
Theo Ths Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ở các nước đang phát triển, tình hình mắc ung thư ngày càng tăng nhanh. Vì vậy, tỉ suất mắc ung thư cao tại các vùng miền trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với quy luật và mô hình bệnh tật. Tổng số trường hợp tử vong do ung thư ở Phước Quang trong 5 năm điều tra là 50 ca, tỉ suất tử vong trung bình là 72,7/100.000 người/năm. Tỉ suất này thấp hơn so với tỉ suất tử vong do ung thư đã được điều tra tại thôn Vân Hội (thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước) năm 2015 (95/100.000 người/năm); thôn Vạn Thái (xã Mỹ Tài, Phù Mỹ - 211/100.000 người/năm). Trong khi đó, tỉ suất tử vong do ung thư tại Việt Nam là 104,4/100.000 người/năm và thế giới là 101,1/100.000 người/năm. Như vậy tình hình bệnh ung thư ở Phước Quang không có gì bất thường, đột biến.
Ths Bùi Ngọc Lân cũng cho rằng y học thế giới cũng chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư, ngoại trừ một số khu vực dân cư trong vùng ô nhiễm bởi nhà máy, xí nghiệp hóa chất. Bởi nếu xác định được thì chúng ta đã có thể kéo giảm tỉ lệ người mắc xuống chứ không tăng liên tục như hiện nay.
Từ thực tế số lượng bệnh nhân ung thư ngày càng tăng, năm 2008, BVĐK tỉnh chính thức thành lập khoa Ung bướu. Khoa đã triển khai điều trị ung thư đa mô thức: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị gia tốc và chăm sóc giảm nhẹ. Nhằm nâng cao năng lực điều trị ung thư, giữa năm 2016, khoa Ung bướu BVĐK tỉnh chính thức là vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Bác sĩ Nguyễn Minh Trí, Trưởng khoa Ung bướu BVĐK tỉnh, cho biết: “Hiện khoa có 70 giường kế hoạch, nhưng thực kê 124 giường. Dẫu vậy, số bệnh nhân ung thư thường xuyên điều trị vào khoảng 160 - 170 người. Con số này tăng theo hàng năm cũng dễ hiểu, bởi khi hiệu quả điều trị được nâng lên, bệnh nhân sống lâu hơn, tiếp tục được điều trị theo từng đợt, cùng với những bệnh nhân mới khiến tình trạng quá tải ngày càng nặng nề”.
LÊ CƯỜNG