KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM CỦA TỔ QUỐC VÀ CÙNG QUÂN DÂN CAMPUCHIA CHIẾN THẮNG CHẾ ÐỘ DIỆT CHỦNG (7.1.1979 - 7.1.2019)
Hồi sinh một vùng đất chết
Dù đã 40 năm kể từ ngày giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, nhưng những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn vẫn in sâu trong tâm trí những người lính tình nguyện Việt Nam, trong đó có hàng ngàn người con quê hương Bình Ðịnh. Quay lại chiến trường xưa, họ chứng kiến sự hồi sinh nhanh chóng ở nơi từng là vùng đất chết.
Khắc sâu trong trí nhớ
Nhớ lại những năm tháng ấy, những người trong cuộc luôn tự hào đã được tham gia bảo vệ Tổ quốc, tham gia lật đổ chế độ Pol Pot, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nguy cơ diệt chủng.
Người dân Campuchia lưu luyến chia tay Quân tình nguyện Việt Nam, sau khi giúp họ thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Ảnh tư liệu
Nhập ngũ tháng 5.1978 khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, sau khi được huấn luyện tại Đoàn 860 (Quân khu 5), đại tá Nguyễn Hùng Anh, nguyên Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, được bổ sung về Cục Chính trị Quân khu 5 để sang chiến trường Campuchia. Khi ấy, các chiến sĩ của Quân khu 5 được giao nhiệm vụ đánh Pol Pot từ khu vực cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) lên các khu vực Bunlung, Bar Kaev, Veun Sai thuộc tỉnh Ratanakiri và dọc theo khu vực biên giới của Stung Treng và Mundonkiri (Campuchia).
Nhân dân tỉnh Kampong Cham (Campuchia) vui mừng đón bộ đội Sư đoàn 320 vào giải phóng. Ảnh tư liệu
Kể với chúng tôi về những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc với ký ức về những chiến công bi hùng của “Đội quân nhà Phật” trên đất nước Chùa Tháp, đại tá Anh không giấu được xúc động: “Khi sang nước bạn tham gia chiến đấu, đập vào mắt những người lính tình nguyện chúng tôi là cảnh hoang tàn, đổ nát và sự tàn bạo của chế độ diệt chủng Pol Pot. Đi tới đâu cũng thấy người dân bị giết hại một cách dã man. Như lời 4 câu thơ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình Trần Kiên đã viết: Đầy đồng quạ đói giành thây rữa/ Khắp nẻo mồ hoang chôn cỏ hôi/ Lưỡi cuốc bổ đầu người mộ đạo/ Chày vồ bổ sọ trẻ nằm nôi. Cũng chính vì chứng kiến sự tàn bạo đó mà cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đã quyết tâm cùng với quân và dân Campuchia tiêu diệt nhanh gọn bọn diệt chủng Pol Pot”.
CCB Trung đoàn 250 thắp hương cho đồng đội ở nghĩa trang Ampim Boramđơm, tỉnh Battambang.
Còn thượng tá Trịnh Minh Cẩm, hiện là Chánh Văn phòng Hội CCB tỉnh, có 10 năm (1978 - 1988) làm nhiệm vụ trên chiến trường Campuchia trong vai trò cán bộ hậu cần của Sư đoàn 309, bồi hồi nhớ lại: “Có thể nói, chiến trường Campuchia đầy gian khổ, hy sinh. Sau ngày 7.1.1979, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục giúp nước bạn xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, giúp LLVT cách mạng Campuchia vừa xây dựng lực lượng, vừa phối hợp chiến đấu truy quét tàn quân Pol Pot ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và nội địa. Nhờ đó, lực lượng cách mạng Campuchia dần dần lớn mạnh, từng bước bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước, tạo điều kiện để quân tình nguyện Việt Nam rút dần về nước”.
Hồi sinh vùng đất chết
Theo đại tá Nguyễn Hùng Anh, sau khi Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng vào ngày 7.1.1979, đất nước chỉ còn là đống hoang tàn, đổ nát. Quân tình nguyện cũng như các chuyên gia Việt Nam tiếp tục giúp đưa hàng triệu người dân đang chịu cảnh ly tán trở về quê cũ, xây dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh xá, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
“Nhân dân và hai nước Campuchia - Việt Nam là những người bạn tốt, anh em tốt, láng giềng tốt và đối tác tốt, từng có truyền thống đấu tranh, đoàn kết cùng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn gian khổ. Lễ kỷ niệm lần thứ 40 Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là một sự kiện rất có ý nghĩa về kiến tạo hòa bình, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Campuchia - Việt Nam, cầu chúc cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác truyền thống ngày càng keo sơn, vững chắc hơn”.
Ông Tep Ngorn, Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia
(Trích phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979 - 7.1.2019) diễn ra tại Hà Nội vào ngày 4.1)
Trên lĩnh vực y tế, những người lính tình nguyện đã giúp nước bạn từng bước khôi phục hệ thống chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân, phòng, chống dịch bệnh đang hoành hành khắp nơi; trên lĩnh vực giáo dục, giúp bạn xây dựng bộ máy giáo dục, tập hợp đội ngũ trí thức, giáo viên.
Cùng với việc giúp xây dựng LLVT cách mạng, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam còn giúp Campuchia xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp.
Lần giở những tấm ảnh, giấy tờ tùy thân trên đất Chùa Tháp, thượng tá Nguyễn Thanh Mãn, Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh, nhớ lại quãng thời gian tham gia trong đoàn chuyên gia sang giúp quân đội nước bạn xây dựng đơn vị, huấn luyện, hậu cần, kỹ thuật… nhằm bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước sau khi thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot.
Đại tá Đỗ Xuân Thu chụp hình lưu niệm với người dân tỉnh Battambang.
Như người thân lâu năm trở về nhà
Cuối năm 2016, khi vừa nghỉ hưu, đại tá Ðỗ Xuân Thu đã kết nối với các đồng đội cũ ở Trung đoàn 250 tổ chức chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, nơi các ông đã chiến đấu giúp nhân dân Campuchia hồi sinh. Trong 8 ngày đêm ở nước bạn, các ông đã đi thăm những vùng đất năm xưa như Ponlay, Kraco, Tasanh, Samlot, Pailin, Namsap, Lovia... Dẫu địa hình đã thay đổi nhiều nhưng ai nấy đều nhận ra nơi đơn vị từng đứng chân, các nghĩa trang của Sư đoàn, Trung đoàn, bởi những “cột mốc” vẫn còn đó: Một ngôi nhà gỗ đã mục, cây vú sữa, hàng xoài, vườn cam, hay những tảng đá, hố sâu, một vài chiến hào còn nham nhở. Ở mỗi nơi, các ông đều thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống nơi này.
Còn đại tá Đỗ Xuân Thu, nguyên Chính trị viên Ban CHQS huyện Tây Sơn, nhớ mãi năm 1978, khi ông còn học cấp 3 thì tiếng súng gây hấn của quân Pol Pot đã nổ vang trên tuyến biên giới Tây Nam. Ông xung phong nhập ngũ và được biên chế về Trung đoàn 250 (Tỉnh đội Đắk Lắk), phối hợp với các lực lượng chiến đấu giải phóng 3 tỉnh đông bắc Campuchia. Sau đó Trung đoàn được lệnh hành quân vào TP Hồ Chí Minh nhập vào Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) nhận nhiệm vụ tiêu diệt tàn quân Pol Pot ở các tỉnh Battambang, Pur Sat, Kampong Chhnang cho đến năm 1989 mới rút quân về nước.
Ðại tá Thu chia sẻ: “Ði qua những con đường bê tông thẳng tắp, những phố xá sầm uất, nhộn nhịp của Campuchia hôm nay, được người dân đón chào như người thân lâu năm trở về nhà, chúng tôi rất vui mừng, xúc động. Ðến địa phương nào, cán bộ chính quyền sở tại và nhân dân cũng đến thăm, hỏi han. Những cái ôm nồng thắm, tiếng cười giòn giã làm tất cả thêm ấm lòng”.
NGUYỄN PHÚC - HỒNG PHÚC