Trạm y tế phường, xã: Cần được nâng cấp, tạo điều kiện nhiều hơn
Ðảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng do ít được đầu tư trang thiết bị, nhân lực và cả “cơ chế”, các trạm y tế phường, xã chưa phát huy hết tác dụng như mong muốn.
Là tuyến y tế gần người dân nhất nhưng TYT chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.
- Trong ảnh: Đo huyết áp cho bệnh nhân tại TYT phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn).
Thêm việc, không thêm kinh phí
Một sáng đầu năm 2019, đến làm việc tại Trạm Y tế (TYT) phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) ấn tượng đầu tiên của tôi là cơ ngơi ở đây khá sạch sẽ, khang trang, phòng ốc được bố trí, sắp xếp gọn gàng. Gặp bà Nguyễn Thị Thóc (63 tuổi, ở KV2, phường Bùi Thị Xuân) đang khám bệnh tại đây, nhưng bà bị nặng tai, qua lời cán bộ Trạm, tôi được biết bà bị huyết áp cao, thường đến đo huyết áp, khám và nhận thuốc nên khá được mọi người xem như người nhà. Hiện đơn vị này quản lý khoảng 100 người huyết áp cao; một số bệnh không lây nhiễm khác (như phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường, ung thư), với khoảng vài chục đối tượng/bệnh.
“Hiện nay toàn tỉnh đã có 156/159 TYT xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (98,1%). Như vậy có thể nói TYT tại Bình Ðịnh đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu để hoạt động, đáp ứng về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại xã.”
Thống kê của TYT phường Bùi Thị Xuân cho thấy, đội ngũ y bác sĩ của trạm đã khám, chữa bệnh cho 4.761 lượt người trong năm 2018. Bên cạnh đó, cũng như các TYT khác, nhiệm vụ thường xuyên của họ còn khá nhiều gồm: phòng chống dịch bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, công tác DS-KHHGĐ, cấp cứu người bị tai nạn… Với 7 biên chế cộng 1 hợp đồng (gồm 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 2 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh, 1 trung cấp dược), TYT phường Bùi Thị Xuân cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trên địa bàn khoảng 17.000 dân (chưa tính lực lượng công nhân tại các khu công nghiệp).
Theo bác sĩ CKI Phan Ngọc Thắng, Trưởng TYT phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), từ tháng 9.2016, đơn vị thực hiện thêm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT. Trong năm 2017 và 2018, TYT khám, điều trị cho khoảng 2.000 lượt bệnh nhân, nhưng không được hỗ trợ thêm bất cứ khoản kinh phí nào. Ngay cả những dịp lễ, tết, cán bộ ở đây cũng không hề được nhận bất cứ khoản gì thêm!
Khó đạt mục tiêu giảm tải cho tuyến trên
Hiện nay toàn tỉnh đã có 156/159 TYT xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (98,1%). Như vậy có thể nói TYT tại Bình Định đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu để hoạt động, đáp ứng về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại xã. Trong những năm gần đây, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, các TYT đã được nâng cấp, xây mới từ nguồn kinh phí của huyện, tỉnh tài trợ. Theo kế hoạch, trong năm 2019, một số TYT tiếp tục được đầu tư nâng cấp.
Gần đây, với nguồn kinh phí do EU tài trợ, Bộ Y tế đưa ra mô hình xây dựng điểm về TYT, với mục đích có thể khám chữa bệnh tốt hơn. Mục tiêu của Bộ Y tế là nâng cấp các TYT, nhằm giúp giảm tải cho tuyến trên. Tuy nhiên, theo bác sĩ CKII Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, điều cơ bản để đáp ứng được mục tiêu này không phải là kinh phí xây dựng mà là con người; hiện tại TYT chỉ có 1 bác sĩ đa khoa và các chức danh khác như điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ, y học cổ truyền, y sĩ; không có người làm xét nghiệm, X-Quang… Do vậy, nếu muốn nâng cao khả năng khám chữa bệnh tại trạm thì phải có thêm bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh… mà điều này thì hiện tại rất khó đáp ứng.
Trăn trở về trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, bác sĩ Phan Ngọc Thắng phân tích: “Hiện chúng tôi chỉ được trang bị một số máy móc như: máy khí dung, điện tim, xét nghiệm đường huyết (kiểm tra đái tháo đường). Trong khi đó, danh mục thuốc để cấp cho bệnh nhân không ổn định, khiến nhiều người không tin tưởng vào công tác khám chữa bệnh tại đây. Nếu có thêm hệ thống xét nghiệm máu, máy siêu âm thì việc khám, điều trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.
Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, cho biết: “Theo quy định hiện nay, các TYT khi khám BHYT tiền kết dư thu về ngân sách chứ không được chia phúc lợi cho TYT. Đây là điều mâu thuẫn, bởi chúng ta hướng về cơ sở, muốn TYT đảm đương thêm trong công tác khám chữa bệnh để giảm tải tuyến trên, nhưng không có chế độ tăng thêm. Bên cạnh đó, với chủ trương giảm biên chế đang được triển khai ở các đơn vị, rất khó để chúng ta đảm bảo đủ nhân lực ở TYT nhằm thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh BHYT”.
LÊ CƯỜNG