Nghe lòng ta vẫy gọi...
Tiếng mùa (NXB Hội nhà văn, 2018) là tập thơ gồm 79 bài của tác giả Quế Anh vừa được ấn hành vào tháng 12.2018. Thơ của Quế Anh vừa có sự đằm sâu, trữ tình vừa có nét dung dị, phóng khoáng.
Khoảng cách, sự chia biệt trong tình yêu với trực chờ nỗi nhớ luôn là miền khắc khoải gieo vào lòng tác giả những suy tư để từ đó, những vần thơ bật ra da diết: “Ta hiểu mà/ tình còn lắm trái ngang/ giữa nắng tháng tư ai bắc cầu Ô Thước?/ nên sợi nhớ gãy đôi/ bến cô liêu dày thêm lời ly biệt/ Sóng dậy cõi lòng/ xao xác những chờ mong” (Sợi thương). Có lúc, Quế Anh hóa thân vào một bản thể trữ tình để đồng cảm, chia sớt và thấu hiểu nỗi lòng của người phụ nữ trong nỗi nhớ đườm đượm đang vây xiết: “Ngọn gió nào rít buốt giữa thinh không/ Thổi bạt thu đi nghe vàng rơi lả tả/ Em sợ lắm, đêm giữa mùa ngắn quá/ Nên ngơ ngẩn canh dài./…thảng thốt gọi tên anh” (Tiếng mùa). Hoặc nung nén bỗng chốc như bung vỡ lên thành những câu thơ đầy sức gợi mà từ đó người đọc nhận ra một trái tim yêu đầy khao khát, nồng nàn: “Tôi lục tìm trong hư thực vầng trăng/ Em ở đâu đây mà bỗng xa xăm quá/ Nghe hương hồng trên má/ Nghe ướt mềm bờ môi/ Nghe dập dồn những giọt mồ hôi/ Và thơm mùi của đêm nga ngái…” (Vẫn mãi đợi người).
Quế Anh là bút danh của NSƯT Cao Trọng Quế. Anh sinh năm 1954, quê gốc ở Nghệ An. Anh có một thời gian dài sinh sống và làm việc tại Nhà hát tuồng Ðào Tấn (TP Quy Nhơn), hiện nay anh đang định cư ở Mỹ.
Với Tiếng mùa là chỗ để tác giả ký gửi tiếng lòng của mình. Trong đó, có những bài lục bát ngọt, đằm với hình ảnh thơ đẹp được viết khá thành công. Tôi thích những câu như thế này của tác giả: “Trả em lạc bước tôi vào/ dây lưng, yếm thắm, lụa đào hôm xưa// Trả em làn tóc hương đưa/ vòng tay siết chặt đủ vừa dịu êm…” (Trả lại cho người).
Ở tập sách này, không khó để người đọc tìm thấy những tứ thơ đẹp, giàu cảm xúc, cho thấy sự chắc tay trong việc xây dựng tứ thơ, tạo nhạc tính, sử dụng phương ngữ... Điều đó giúp gia tăng thêm phong vị cảm xúc của thơ và để lại nhiều ấn tượng cho độc giả.
VÂN PHI