Công tác di dời dân vùng thiên tai nguy hiểm đến các khu tái định cư:
Thực hiện chậm, vì sao?
Ông Bùi Đắc Cường
Ðến nay, tỉnh ta đã xây dựng xong 15 khu tái định cư (TÐC) để di dời những hộ dân sinh sống ở những vùng thấp trũng thường hay bị ngập lụt, vùng bị triều cường… có nguy cơ bị thiên tai đe dọa cao, song việc di dời dân đến các khu TÐC còn chậm. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Bùi Ðắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) thuộc Sở NN-PTNT, quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết kết quả việc di dời các hộ dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao đến các khu TĐC đã xây dựng tại các địa phương trong tỉnh?
- Do địa hình từ tây sang đông có độ dốc khá lớn, vào mùa mưa lũ các dòng sông phải chịu áp lực dòng chảy lớn, nên hầu như năm nào sau mùa mưa lũ tại lưu vực các dòng sông trên địa bàn tỉnh cũng phát sinh thêm các điểm sạt lở mới, đặc biệt là tại lưu vực các dòng sông lớn như: sông An Lão, sông Kim Sơn, sông Lại, sông Côn và tại các khu dân cư ven biển. Đây là những vùng có nguy cơ thiên tai cao, mưa lũ đe dọa đến tính mạng người dân. Bởi vậy, việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão, nhất là với những hộ sinh sống ở những vùng thấp trũng thường hay bị ngập lụt, vùng thường hay bị triều cường, vùng ven sông, ven suối… luôn được tỉnh ta đặc biệt quan tâm.
Phương án đảm bảo an toàn cho người dân cũng đã được ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương triển khai thông qua việc xây dựng các khu TĐC để bố trí di dời dân vùng thiên tai. Từ năm 2006 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng 17 khu TĐC vùng thiên tai (trong đó, ngành Nông nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng 6 khu TĐC, còn lại do chính quyền các địa phương làm chủ đầu tư và đảm nhiệm việc bố trí đất, di dời người dân đến các khu TĐC) tại Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, Tuy Phước, Phù Cát, TP Quy Nhơn… với diện tích quy hoạch trên 86 ha để bố trí TĐC 1.854 hộ.
Đến nay, có 15 khu TĐC đã hoàn thành với cơ sở hạ tầng thiết yếu khá hoàn chỉnh. Tuy vậy, kết quả của việc di dời dân đến các khu TĐC chưa như mong muốn, hiện mới chỉ có 830 hộ dân di dời đến các khu TĐC. Còn 1.024 hộ dân, trong đó có nhiều hộ đã được bố trí đất tại các khu TĐC, nhưng vẫn chưa di dời đến các khu TĐC. Riêng năm 2013, tỉnh ta đã phân bổ 8,19 tỉ đồng để hỗ trợ 409 hộ dân di dời đến các khu TĐC, nhưng số hộ di dời đến các khu TĐC ít (84 hộ), nên số tiền giải ngân không nhiều (1,68 tỉ đồng, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng).
* Vì sao cơ sở hạ tầng các khu TĐC được xây dựng khá hoàn chỉnh, nhưng người dân vẫn không “mặn mà”, thưa ông?
- Về mặt nhận thức thì đa số người dân sống ở vùng có nguy cơ thiên tai cao đều đồng tình với chủ trương di dời đến các khu TĐC mới để được an toàn. Tuy nhiên, cũng có một số nguyên nhân làm cho việc TĐC chậm. Thứ nhất là do đời sống kinh tế của hầu hết các hộ dân vùng sạt lở còn khó khăn, để xây dựng một căn nhà mới ở khu TĐC cần đến hàng chục triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ của Nhà nước còn thấp. Thứ hai là do bà con có cuộc sống, nghề nghiệp gắn liền với việc đi biển, buôn bán thủy sản sát mép biển..., nếu di dời đến các khu TĐC mới thì không thuận lợi cho công việc của họ. Bởi vậy, có hộ mặc dù đã xây dựng nhà tại khu TĐC nhưng vẫn quay về sinh sống ở chỗ cũ. Cũng có trường hợp đã nhận đất tại các khu TĐC, có kinh phí để xây nhà, nhưng họ giải thích do chưa “hợp năm, hợp tuổi” nên chưa xây nhà.
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 578/QĐ-UBND phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư các vùng có nguy cơ thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh có 43 dự án bố trí dân cư được triển khai xây dựng, bố trí chỗ ở cho 9.520 hộ dân, tổng vốn đầu tư gần 640 tỉ đồng. Riêng giai đoạn 2013-2015, tiếp tục hoàn thành 3 dự án đang thực hiện, gồm khu TĐC xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), khu TĐC Huỳnh Giản (Tuy Phước), khu TĐC xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ); xây dựng 20 dự án mới để di dời TĐC tại chỗ cho 2.790 hộ dân. Giai đoạn 2016-2020, xây dựng 23 dự án mới để di dời TĐC và ổn định chỗ ở cho 5.105 hộ dân.
Bên cạnh đó, các cấp các ngành liên quan và chính quyền một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nên số hộ đến các khu TĐC chưa nhiều. Mặt khác, một số dự án TĐC triển khai thi công chậm do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Do đó, để việc di dời dân đến các khu TĐC đạt mục tiêu đề ra, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều phía, nhất là đối với người dân.
* Việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão là hết sức quan trọng và cấp thiết, Chi cục PTNT đã có phương án gì giúp người dân vùng nguy cơ thiên tai cao tránh được những bất trắc có thể xảy ra?
- Chi cục đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát, nắm chắc danh sách các hộ dân đang sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao, tăng cường vận động người dân di dời đến sinh sống tại các khu TĐC; đồng thời đôn đốc UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thi công các khu TĐC còn xây dựng dở dang; phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương kịp thời cấp kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định của Nhà nước cho người dân. Đẩy nhanh tiến độ giao quyền sử dụng đất ở khu TĐC cho người dân và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống, sản xuất.
Trường hợp người dân ở vùng nguy hiểm chưa kịp xây dựng nhà ở mới tại các khu TĐC, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương vận động các hộ dân ở những vùng an toàn cho bà con ở nhờ hoặc bố trí trụ sở thôn, trường học… di dời người dân ở vùng có nguy cơ thiên tai cao đến ở tạm trong thời điểm xảy ra mưa lũ lớn. Hiện nay, nhiều địa phương cũng đã triển khai phương án PCLB-TKCN, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho người dân ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao; đồng thời tiếp tục khảo sát, quy hoạch, lập dự toán đầu tư các khu TĐC để triển khai thực hiện khi được bố trí nguồn kinh phí trong các năm tới.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)