Xây dựng nông thôn mới: Chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân
Trên cơ sở quy hoạch phát triển KT-XH chung của tỉnh, của địa phương, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới đã khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có để phát triển sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.
Cùng mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) lại có giải pháp riêng. Chẳng hạn như xã thuần nông Phước Hưng, huyện Tuy Phước, vẫn chọn cây lúa là cây trồng chủ lực, nhưng đầu tư phát triển theo hướng sản xuất lúa giống tập trung, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong tổng số 660 ha lúa sản xuất hàng năm của xã, có đến 423 ha được nông dân sản xuất lúa giống BC 15, TBR 225 bán cho DN.
Bà Võ Thị Tuyết Loan, thành viên HTXNN Phước Hưng, chia sẻ: “Tham gia xây dựng cánh đồng lớn sản xuất và tiêu thụ lúa giống với Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed, chúng tôi đã bỏ thói quen gieo sạ lúa với mật độ dày, biết áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, nhờ vậy giảm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, sản phẩm làm ra còn không phải lo khâu tiêu thụ nữa”.
Ông Lê Anh Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, cho biết: Ngoài cây lúa, chúng tôi đã hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển thêm chăn nuôi, đầu tư xây dựng xưởng may, phát triển nhiều loại hình dịch vụ, sản xuất bánh tráng, chạm khắc đá, gỗ… để nâng cao thu nhập. Ngay như một lĩnh vực còn khá mới như trồng mai mà cũng cho thu nhập khá nên sau mỗi năm lại có thêm nhiều hộ tham gia ngành sản xuất này. Phước Hưng là một trong 4 xã về đích NTM sớm nhất tỉnh, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/năm, hơn 95% người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên.
Phát triển ngành nghề khai thác thủy sản xa bờ và các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá là giải pháp hữu hiệu giúp xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) nâng cao thu nhập cho người dân.
Một trường hợp khác là xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn. Xã này chú trọng đẩy mạnh nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, qua đó đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho hay: Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách phát triển thủy sản của Nhà nước, ngư dân đã đầu tư thêm kinh phí để đóng mới, nâng cấp tàu cá và mua trang thiết bị phục vụ khai thác thủy sản xa bờ. Với 1.095 tàu cá, trong đó có 995 tàu chuyên khai thác thủy sản xa bờ, sản lượng khai thác năm 2018 đạt 23.422 tấn. Ở trên bờ, các cơ sở kinh doanh thủy sản và nhiều loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển song hành, nên thu nhập của lao động trong khu vực sản xuất này ổn định và năm sau lại cao hơn năm trước. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Tam Quan Bắc đạt tới 63 triệu đồng/năm, tăng hơn 20 triệu đồng so thời điểm xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (năm 2014).
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 64 xã đạt chuẩn NTM. Phần lớn các địa phương đều thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó có tiêu chí số 10 - thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn. Hiện thu nhập bình quân đầu người tại các xã đạt chuẩn NTM đều từ 35 triệu đồng/người/năm trở lên.
Năm 2019, tỉnh ta đề ra mục tiêu công nhận thêm 19 xã đạt chuẩn NTM và công nhận Hoài Nhơn là huyện đạt chuẩn NTM, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt 36 triệu đồng/người/năm.
Để đảm bảo mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục ưu tiên phần lớn vốn ngân sách Trung ương và tỉnh để hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời phát huy tinh thần tự chủ của địa phương và vai trò chủ thể của người dân để xây dựng NTM. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tập trung hỗ trợ các xã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Chú trọng mời gọi các DN liên kết với nông dân thực hiện cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng tiên tiến trong sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đặc thù địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn.
PHẠM TIẾN SỸ