“Chiều nay con không ăn cơm nhà”
Đó không phải là lời nhắn của một người trưởng thành với bố mẹ hoặc người lớn hơn mình. Đó là lời chào trước khi đi học của con gái tôi, năm nay cháu mới học lớp 8. Lý do được cháu trình bày thế này, học hết tiết 5 chính khóa ở trường lúc 16 giờ 45 phút, nghỉ một chút đến 18 giờ cháu đi học thêm môn Toán, đến 20 giờ mới xong.Vì vậy cháu ăn bánh mì hoặc thứ gì đó lót dạ rồi đi học luôn cho tiện. Cứ như vậy mỗi tuần 4 buổi đều đặn dành cho 4 môn học. Chưa kể đôi khi người dạy chuyển lịch học, để khỏi trùng tiết học giữa môn học này với môn học khác, thời gian học lại được điều chỉnh, thường là nới ra ngay sau khi kết thúc một môn học nào đó. Những lúc như vậy cháu về nhà muộn hơn.
Ban đầu tôi khá lo lắng vì sức khỏe, thời gian học tập, ăn uống… không biết như thế rồi con mình có ổn không.Nhưng rồi bản thân tôi cũng phải chấp nhận vì việc học tập được đặt lên hàng đầu, vả lại chính cháu cũng ham học nên dần dần quen như thế. Ngẫm lại thấy xót vì thời gian học tập như vậy là quá nhiều, hơn nữa thời gian tự học ở nhà rất ít; không còn thời gian đâu để trẻ vui chơi, thư giãn, giải trí...
Cách đây 2 tháng một số cơ sở dạy thêm của giáo viên ở huyện Hoài Ân tạm dừng vì nghe đâu chưa được cấp giấy phép dạy thêm bên ngoài trường học. Nhưng nay đi dọc nhiều con đường ở thị trấn Tăng Bạt Hổ đã thấy nhiều bảng hiệu cơ sở dạy thêm có giấy phép được trang trí rõ ràng, trực quan, nhiều bảng là hộp đèn rực rỡ vào ban đêm với giấy phép dạy thêm ngoài nhà trường hợp pháp.
Thực tế quan sát của tôi thấy, giáo viên dạy thêm ngoài trường học hầu hết chính là những người dạy chính khóa cho các cháu ở trường. Tôi nhẩm, tạm tính thời khóa biểu dạy chính khóa ở trường của những người đi dạy bình quân mỗi tuần là 19 tiết, các tiết dạy thêm ở ngoài trường học, không rơi vào các buổi chính khóa, như vậy chính những người đi dạy cũng có rất ít thời gian nghỉ ngơi, tích lũy sức khỏe để đầu tư tái sáng tạo, nghiên cứu chuyên môn, đổi mới phương pháp, làm đồ dùng dạy học, tham gia các hoạt động giáo dục phối hợp trong nhà trường! Nói cách khác những người đi dạy có dạy thêm đã lao động quần quật cả ngày, đó là chưa kể khoản thời gian mà họ buộc phải bố trí cho việc gia đình, họ hàng, quan hệ xã hội….
Thiết nghĩ các quy định của Nhà nước, của ngành GD&ĐT đã cụ thể bằng văn bản, được áp dụng cho hoạt động dạy thêm học thêm ngoài trường học chặt chẽ, có hiệu quả đáp ứng nguyện vọng học tập chính đáng của đông đảo phụ huynh.Tuy vậy vẫn cần quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý hoạt động dạy thêm ngoài trường học cả về chuyên môn nghiệp vụ, thời gian, quy mô số lượng, chất lượng học tập để việc học của các em đảm bảo hài hòa, đạt hiệu quả và tránh những hệ lụy không đáng có.
PHẠM MINH TRUNG