Ðưa sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu ra thị trường
Ðược bảo hộ nhãn hiệu độc quyền là một lợi thế. Nhưng làm thế nào để đưa sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu vươn ra thị trường lại là một câu chuyện khác…
Không ít người đã nhầm lẫn rằng, “được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền” là đích đến, thật ra một sản phẩm như vậy mới chỉ ở vạch xuất phát. Đích đến còn rất xa, thậm chí chỉ có đích của từng chặng một mà thôi!
Xã Cát Khánh xúc tiến tiến cùng nhà đầu tư quảng bá, phát triển nhãn hiệu “Nước mắm Đề Gi”.
Lợi ích khi được bảo hộ
Ông Nguyễn Trường Sơn (62 tuổi, ở làng rượu Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) cho biết, nấu rượu là nghề truyền thống lâu năm của nhiều hộ trong làng. Mỗi hộ một ngày nấu chừng 2 nồi rượu (9 kg/nồi), cho ra 10 lít rượu; đến mùa Tết thì nâng lên gấp đôi. Cuối năm 2017 đến nay, rượu được nhập vào Tổ Dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Hiệp để đóng chai và dán nhãn. Rượu muốn được dán tem nhãn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nấu cơm, trộn men, ngâm ủ, chưng cất; nồng độ cồn 48-52 độ. Từ ngày sản phẩm truyền thống có “tên tuổi”, bà con mừng lắm!”.
Đến nay, Tổ Dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Hiệp có 41 hộ gia nhập, đã thuần thục với việc nấu rượu đúng quy trình sản xuất, quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Vĩnh Cửu”, do Dự án KH&CN hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc trưng tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ. Tổ Dịch vụ nông nghiệp cũng được đầu tư máy lọc andehit, chai và tem nhãn, hộp đựng...
“Mất 3 năm vất vả sản phẩm mới được bảo hộ chính danh nên chúng tôi yêu cầu thực hiện đúng quy trình rất nghiêm ngặt, những sản phẩm không đảm bảo đều bị loại. Đến nay, hơn 1.200 lít rượu “có tên” đưa ra thị trường đã được người tiêu dùng chấp nhận; giá sản phẩm cũng được nâng lên mức 100 ngàn đồng/lít, gấp 3 lần trước đây”, ông Lê Thế Ánh, Tổ phó Tổ Dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Hiệp cho hay.
Tương tự, năm 2018, “Nước mắm Đề Gi” cũng là sản phẩm mang địa danh được bảo hộ. Huyện Phù Cát đã ban hành bộ tiêu chí quản lý sản phẩm, với những quy chế cụ thể trong tổ chức hoạt động, sử dụng cấp, sử dụng nhãn hiệu, tem nhãn, kiểm nghiệm… Hiện nay, nhãn hiệu “Nước mắm Đề Gi” được cấp quyền sử dụng cho đơn vị đầu tiên là Cơ sở nước mắm Thái An (xã Cát Khánh).
Ông Lưu Thái Cầu, chủ cơ sở cho biết: Nước mắm Đề Gi thường chỉ bán với mức giá 60.000 đồng/lít. Nhưng thực hiện đúng bộ tiêu chí quản lý sản phẩm, sau khi đóng chai và dán tem nhãn, giá được nâng tới 70.000 đồng/lít (bán sỉ), còn nếu bán lẻ thì lên tới mức 120 ngàn đồng/lít. Đầu tư mới, chất lượng được nâng cao, lợi nhuận tốt hơn, tất cả sẽ giúp chúng tôi nâng cấp cơ sở sản xuất, khu chiết rót, đóng chai, trưng bày tại làng nghề. Đặc biệt chúng tôi sẽ tổ chức quảng bá sản phẩm, đưa vào các siêu thị ở Quy Nhơn, An Nhơn và cả các tỉnh thành khác trong nước.
Hệ thống lọc andehit trong rượu, và đóng chai rượu mang thương hiệu “Rượu Vĩnh Cửu”.
Cần liên kết “3 nhà”
Bà Đào Thị Ái Thùy, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (Sở KH&CN) - đơn vị chủ trì thực hiện dự án - cho biết, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 26 nhãn hiệu mang địa danh được bảo hộ. Rượu Vĩnh Cửu và nước mắm Đề Gi là 2 sản phẩm làng nghề được dự án KH&CN giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ phát triển “hậu” nhãn hiệu. Tuy nhiên, để quản lý và phát triển nhãn hiệu còn rất nhiều mục việc phải làm, cần chính quyền sở tại hỗ trợ, đòi hỏi các cơ sở làng nghề phải năng động.
Quả thật, để tiếp sức cho làng nghề, sau khi được bảo hộ độc quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp Nguyễn Hồng Quang cho hay, cùng với Tổ Dịch vụ nông nghiệp, trong năm 2019, UBND xã xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến thương mại. Trước mắt, tiếp cận các cơ sở kinh doanh trong tỉnh, tiến tới mở đại lý; lâu dài xã hội hóa kinh phí từ hộ sản xuất để quảng bá sản phẩm… Một số hộ sản xuất đã đồng thuận với kế hoạch này.
Đến thời điểm này, hộ sản xuất làng nghề “Nước mắm Đề Gi” đã vượt con số 350 hộ, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh Đinh Thành Tiến khẳng định: “Địa phương đang xúc tiến các khâu cần thiết để năm 2019 Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Bình Định triển khai đầu tư một dây chuyền sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời tại khu đất hơn 1,5 ha ở làng nghề Đề Gi, đưa kỹ thuật vào các hộ sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Bà Trần Thị Hương (hộ sản xuất nước mắm ở xã Cát Khánh) rất vui với tin này khi phần lớn hộ làng nghề chỉ rành về khâu chế biến, còn tiếp thị, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cần có DN liên kết, làm cầu nối.
MAI HOÀNG