Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: “Chìa khóa” là công khai, minh bạch
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cơ sở quan trọng để các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Đấu giá thuốc tập trung giúp giá thuốc trúng thầu thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, thanh quyết toán chi phí sử dụng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh theo một mặt bằng giá cố định. (Ảnh minh họa)
Hiệu quả từ mua sắm tập trung
Một trong những điểm sáng trong quá trình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trên địa bàn tỉnh là việc triển khai chủ trương mua sắm tài sản tập trung hiện nay đã đi vào nền nếp, bảo đảm chất lượng sản phẩm và góp phần tiết kiệm đáng kể cho ngân sách.
Tiết kiệm gần 119 tỉ đồng để cải cách tiền lương
Với chủ trương tiết kiệm của Trung ương, ngay từ khâu giao dự toán đầu năm 2018, địa phương đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương gần 119 tỉ đồng. Trong đó, khối tỉnh 71 tỉ đồng, khối huyện 48 tỉ đồng. Nguồn kinh phí tiết kiệm này được các đơn vị, địa phương chủ động sử dụng khi thực hiện việc tăng lương cơ sở theo quy định của Trung ương.
Từ ngày 1.7.2016, toàn tỉnh có 4 cơ quan được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung, gồm Sở Tài chính, Sở GD&ĐT, Sở Y tế, BVĐK tỉnh. Tính đến ngày 19.11.2018, 4 cơ quan này đã tổ chức đấu thầu 89 gói thầu với tổng dự toán được duyệt 386,514 tỉ đồng; tổng giá trị trúng thầu 344,874 tỉ đồng và tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước 41,64 tỉ đồng. Riêng trong năm 2018 đã thực hiện 24 gói thầu với tổng dự toán 162,736 tỉ đồng; tổng giá trị trúng thầu là 144,348 tỉ đồng, tiết kiệm được 18,388 tỉ đồng.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, lợi ích thấy rõ của đấu thầu mua thuốc tập trung cấp địa phương là giảm nhân lực, tiết kiệm chi phí trong quá trình đấu thầu thuốc cho bên mời thầu và cả nhà thầu tham dự thầu (giảm số lượng tổ chuyên gia, tổ thẩm định; giảm chi phí mua hồ sơ mời thầu, chi phí văn phòng phẩm, chi phí đi lại, chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu…).
Bên cạnh đó, giá thuốc trúng thầu thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, thanh quyết toán chi phí sử dụng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh theo một mặt bằng giá cố định. “Cách làm này cũng tạo tính chủ động trong việc điều phối số lượng thuốc trúng thầu giữa các cơ sở y tế trong tỉnh, nhằm đảm bảo sử dụng thuốc trúng thầu ở các cơ sở y tế đạt tối thiểu 80% theo quy định”, ông Hùng cho hay.
Cùng với đấu thầu tập trung, tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên dự toán ngân sách Nhà nước của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đạt kết quả cao, chỉ tính riêng năm 2018 đã đạt gần 74,3 tỉ đồng. Trong đó, tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính hơn 41,5 tỉ đồng; tiết kiệm chi quản lý hành chính hơn 31,6 tỉ đồng; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại hơn 1,2 tỉ đồng. Nguồn kinh phí tiết kiệm này được để lại tại các đơn vị, địa phương để góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Công khai rộng rãi
Từ tiền đề đã có, ngành Y tế xác định đấu thầu mua thuốc tập trung cấp địa phương là hướng đi quan trọng để nâng cao hiệu quả chủ trương tiết kiệm. Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu, bảo đảm tổ chức lựa chọn nhà thầu hiệu quả, nhanh chóng theo quy định.
Trong đó, trọng tâm là tiếp tục thực hiện công khai thông tin trong đấu thầu trên hệ thống đấu thầu điện tử của Bộ KH&ĐT; công khai thông báo mời thầu trên hệ thống của Bộ KH&ĐT và trên Báo Đấu thầu; công khai kết quả lựa chọn nhà thầu trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế và gửi cho các cơ quan liên quan theo quy định (Cục Quản lý Dược, UBND tỉnh, BHXH tỉnh, BHXH Việt Nam, hệ thống đấu thầu điện tử của Bộ KH&ĐT…). Cùng với đó là công khai số lượng từng loại thuốc trúng thầu cho từng đơn vị theo nhu cầu đã đề nghị.
Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi cũng khẳng định, giải pháp quan trọng trong thời gian đến là nghiêm túc thực hiện công khai về THTK, CLP theo quy định tại điều 5 Luật THTK, CLP. Đặc biệt là công khai trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, tài sản công; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
“Để nâng cao tính công khai, minh bạch, cần tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể quần chúng ở các cấp trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương giám sát thực hiện chương trình hành động về THTK, CLP ở các ngành, các cấp”, ông Nghi nhấn mạnh.
Ngoài ra, để tiết kiệm toàn diện, cần quán triệt và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại các kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện các nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
NGUYỄN VĂN TRANG