Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
(BĐ) - Chiều 9.1, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chủ trì.
Theo Bộ GD&ĐT, mục tiêu của chương trình GDPT mới là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ. Theo đó, hệ thống môn học được thiết kế cụ thể như sau: cấp tiểu học có 11 môn học bắt buộc (tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục lối sống, đạo đức, tự nhiên và xã hội, lịch sử và địa lý, khoa học, tin học và công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật), đối với học sinh lớp 1 và 2 có thêm hai môn tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 1. Cấp THCS có 10 môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật) và 2 môn tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 2). Cấp THPT có 5 môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh); các môn lựa chọn được chia làm 3 nhóm: nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên và nhóm công nghệ và nghệ thuật; 2 môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 2.
Ở phần thảo luận, Hội nghị đã lắng nghe nhiều băn khoăn, thắc mắc của sở GD&ĐT và chính quyền các địa phương liên quan đến điều kiện dạy học 2 buổi/ngày, việc dạy học tích hợp, tình trạng thừa thiếu giáo viên, công tác bồi dưỡng chương trình mới cho giáo viên, công tác định hướng giáo dục hướng nghiệp - phân luồng…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện các cục, vụ và một số bộ, ngành liên quan đã lần lượt giải đáp những thắc mắc của các địa phương. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ mong muốn thời gian tới, chính quyền và sở GD&ĐT các địa phương tích cực phản hồi, trao đổi, chia sẻ với Bộ về những vấn đề liên quan đến chương trình GDPT mới nhằm đảm bảo mọi việc được quán triệt thông suốt trước khi chính thức triển khai.
NGỌC TÚ