Tiếp nhận, chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện: Hướng tới nâng chất, tăng lượng
Tiết kiệm thời gian lẫn chi phí cho người dân, tổ chức là tiện ích nổi bật của dịch vụ tiếp nhận, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện. Song, vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.
Ngày 19.10.2016, Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích. Song, phải đến đầu năm 2018, hoạt động này mới được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Quầy dịch vụ chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của Bưu điện tỉnh đặt tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, Sở GTVT.
Tiện, lợi
Trong năm 2018, đã có 8.353 hồ sơ được tiếp nhận và 115.204 hồ sơ được chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện. Dịch vụ có lượng hồ sơ phát sinh nhiều nhất là chuyển trả CMND với 28.961 hồ sơ. Theo Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Gia Bình, số TTHC có phát sinh giao dịch còn ít, lượng phát sinh chưa nhiều, chưa đạt kỳ vọng của Bưu điện tỉnh. “Tuy nhiên, bước đầu dịch vụ này đã giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đồng thời từng bước đơn giản hóa việc giải quyết TTHC, góp phần nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh”, ông Bình nói.
Ngày 14.11.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4009/QÐ-UBND về việc công bố Danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích. Theo đó, có 119 TTHC được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích của 17 sở, ban, ngành và UBND 11 huyện, thị xã, thành phố.
Năm qua, BHXH tỉnh là cơ quan có lượng hồ sơ phát sinh được chuyển trả cao nhất, với 51.108 hồ sơ. Hoạt động này giúp công khai, minh bạch quá trình giải quyết các TTHC, được các đơn vị, cá nhân đánh giá cao. “Cùng với đó là giảm lượt đơn vị đến làm việc trực tiếp, giảm áp lực cho nhân viên tiếp nhận hồ sơ. Chúng tôi cũng chủ động hơn trong việc trả hồ sơ, không phải chờ các đơn vị, cá nhân đến nhận theo phiếu hẹn, giảm thiểu hồ sơ tồn đọng tại cơ quan BHXH”, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Trần Văn Trung cho hay.
Đáng chú ý, Bưu điện tỉnh đang thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3 tại 57 điểm giao dịch để phục vụ người dân khi có nhu cầu. Tại các điểm bưu điện văn hóa xã, nhân viên bưu điện hướng dẫn cụ thể cho người dân quy trình thực hiện TTHC. Tính đến nay, Bưu điện văn hóa xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) đã hướng dẫn thực hiện thành công 13 hồ sơ gia hạn giấy phép khai thác thủy sản cho người dân. Theo chị Trần Thị Như Lành - nhân viên bưu điện, nhiều trường hợp không rành máy tính, chị sẵn sàng điền giúp các thông tin cần thiết.
“Năm nào cũng phải vào tận Quy Nhơn gia hạn giấy phép, ra vào tốn kém lại mất thì giờ. Nay có dịch vụ này khỏe re, tôi còn giới thiệu cho mấy ông bạn cùng đến bưu điện làm cho nhanh”, ngư dân Hồ Lời (ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc) vui vẻ chia sẻ.
Cần nâng chất, mở rộng diện bao phủ
Trong năm qua, ở khối địa phương, UBND huyện Hoài Nhơn có đến 1.560 hồ sơ, giấy tờ hành chính công chuyển trả qua bưu điện. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có đến 4 địa phương không phát sinh hồ sơ nào được thực hiện qua đường bưu điện (An Nhơn, Phù Mỹ, Vân Canh, Tây Sơn). Nhiều sở, địa phương lượng hồ sơ phát sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực tế đó cho thấy dịch vụ này chưa thật sự lan tỏa mạnh.
Bên cạnh đó, ông Trần Văn Trung cho rằng, công tác tuyên truyền chưa được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ nên nhiều tổ chức, cá nhân chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về dịch vụ, chưa tin cậy nhiều vào chất lượng phục vụ của cơ quan Bưu điện vì sợ hồ sơ thất lạc, không đảm bảo thời gian. Phần lớn nhân viên bưu điện trực tiếp nhận và chuyển phát nhiều loại hồ sơ của nhiều ngành nên không chuyên sâu, dẫn đến tiếp nhận hồ sơ không đầy đủ theo quy định của từng TTHC.
Theo Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Anh Dũng, thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông đến tận thôn, xóm thông qua hệ thống thông tin cấp xã và các tổ chức, hội, đoàn thể trên địa bàn xã. Đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại các điểm phục vụ của bưu điện. Cùng với đó là rà soát lại các TTHC có lượng phát sinh nhiều, thông dụng và hoàn thiện lại quy trình, làm việc với các sở, ban, ngành, UBND huyện để tăng lượng hồ sơ được tiếp nhận và chuyển trả qua hệ thống bưu điện.
“Quan trọng không kém là huấn luyện, đào tạo cho nhân viên bưu điện về cách thức, quy trình tiếp nhận các bộ thủ tục phát sinh, nhất là tiếp nhận hồ sơ trên trang dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 để hướng dẫn công dân cách đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến tại các điểm bưu điện văn hóa xã và phát trả kết quả đến tận nhà, nhằm phục vụ tốt nhất các nhu cầu của tổ chức, cá nhân”, ông Dũng nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG