Bước chân tháng Chạp
Nếu hình dung thời gian trong một năm là những chuyến tàu, thì tháng Chạp là chuyến vét: nườm nượp, bon chen, chồng chất, gồng gánh bội phần. Nếu mỗi tháng do một vị thần điều hành, thì vị thần thứ mười hai có đôi chân to và đôi vai rộng hơn tất thảy các anh em khác. Anh Mười Hai chạy nước rút mọi lễ nghĩa, tất toán mọi kế hoạch dân gian. Chẳng vậy mà hồi tạ, thăm hỏi, cưới xin phấp phới trong nắng gió.
Bước vào tháng Chạp, ngoảnh lên phía tây gặp sơn dân xâu thịt hong khói, ngoảnh xuống phía đông gặp ngư dân trải bạt hong ruốc mực, quay sang phải thấy nong kiệu, quay sang trái thấy nong hành, dọc hai bên đường làng trắng lốp vỉ tre phơi bánh tráng. Mùi bánh chưng, bánh thuẫn, bánh ít, bánh bảy lửa, mứt me, mứt gừng làm cái rét hít hà nhường chỗ.
Giẫy mả được coi là mốc định kỳ chỉnh trang lại mồ mả cho người đã khuất trước khi bước sang một năm mới.
Ở Việt Nam tre lúa của mình, thường thì tục tảo mộ gắn với tiết thanh minh:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
(Kiều – Nguyễn Du)
Cụ Nguyễn Du đã nói vậy trong Kiều, nhưng dân mình thường mở rộng biên độ, có nhà đợi đúng tiết, có nhà dọn cỏ sớm cho phần mộ ông bà tổ tiên tươm tất đón xuân, kèm với tảo mộ là giỗ chạp, để con cháu tề tựu cúng bái tổ tiên. Phải chăng vì vậy mà tháng Mười Hai là còn được gọi là tháng Chạp? Lo êm lo ấm cho người đã khuất, người sống mới nhẹ nhàng vui chơi ba bữa Tết, rồi sau đó yên lòng trên những chuyến mưu sinh xa xứ. Mây bay vào một bao la, ai bảo không liên quan gì đến nước, lửa và khói? Có lẽ cánh diều phong tục uyển chuyển theo sự chi phối của cuộn dây đời sống, là để thanh thản cất mình cùng gió lộng. Chỉ rộng nghĩ một chút thôi là thuận người thuận trời, là thấm thía thương người Việt mình quá đỗi!
Hàng năm, mồng Ba tháng Chạp thần thánh, ngày tảo mộ kỵ chạp của họ Nguyễn thôn Long Quang, chồng tôi cùng các anh em đi vào khu gò Cựu, dọn cỏ, đắp mộ cho tổ tiên, ông bà và những người thân đã về trời. Anh Hai Hải của chúng tôi, chồng chị Hai Thư, bao giờ cũng gương mẫu nhất. Anh từng là học trò, rồi thành rể quý của cha chồng tôi. Anh thương cha chúng tôi bằng tất cả lòng hiếu kính của một người trò đối với thầy, của một người con đối với bậc sinh thành, lòng hiếu kính đó còn đầy lên bởi tình yêu dành cho vợ anh cộng thêm vào. Anh Hai (và sau này có thêm dượng Độ, người em rể thứ Năm) thay chồng tôi gánh vác những việc núi non, khi cha tôi đau, khi nhà có việc.
Ngày tảo mộ, anh Hai vác cuốc gọi anh em trong họ băng đồi vào khu mộ từ mờ sáng, đến khi mặt trời trên cao chiếu xuống vai gáy thì dọn xong, cùng nhau ra về, cuốc trên vai, ngực áo đẫm mồ hôi.
Khi họ lên đồi, mẹ chồng tôi bảo ban cánh phụ nữ ở nhà lo việc làm món, dọn cỗ cúng. Lúc thức cúng được bày lên các bàn thờ, cánh đàn ông kéo về thả cuốc, xẻng, ra giếng rửa mặt rồi lên nhà trên thay áo chuẩn bị cúng bái tổ tiên.
Trong các chị em chồng tôi, chị Hai Thư hiền thục, cô Sáu Tâm kiên nhẫn chịu thương chịu khó, cô Út Lý xinh đẹp dịu dàng. Giỏi giang vén khéo nhất là cô Năm Hương, nhanh trí, rất chịu khó nghiên cứu món mới, ngó qua nếm qua một lần học lóm được ngay. Tôi, con dâu, mỗi lần về chỉ nhặt rau, thổi lửa, còn đánh chó đuổi gà đã có đám cháu nhỏ dễ thương.
Tháng Chạp, nhà nhà khói tỏa huyền mái bếp, bận rộn mà đầm ấm, ửng hồng gương mặt gái quê vất vả xoáy sâu hai lúm đồng tiền.
Trần Thị Huyền Trang