Ngăn dòng học sinh bỏ học: Nhìn từ điểm sáng Hoài Nhơn
Trước năm 2016, hiện tượng học sinh bỏ học - đặc biệt là ở khu vực miền núi và ven biển tăng cao. Ðể kiềm chế và ổn định tình hình, huyện Hoài Nhơn triển khai “Ðề án hạn chế học sinh bỏ học” trên toàn huyện.
2 năm qua, tỉ lệ học sinh bỏ học ở huyện Hoài Nhơn liên tục giảm mạnh và ổn định ở mức dưới 1%. Không chỉ ngăn dòng học sinh bỏ học thành công, Hoài Nhơn còn trở thành điểm sáng trong công tác này.
Được thầy cô yêu thương, học sinh sẽ ham đến lớp
Gia đình em Đỗ Minh Chương, học sinh lớp 9A3 Trường THCS Hoài Sơn, thuộc diện hộ nghèo, ba em mất sớm, mẹ bị bệnh tim nhưng phải làm lụng vất vả để lo cho Minh Chương và anh trai đi học, thu nhập bấp bênh, thiếu trước hụt sau. Hoàn cảnh đó khiến Minh Chương nảy sinh ý nghĩ bỏ học và thực tế đã bỏ học một số buổi. Minh Chương tâm sự với chúng tôi: “Em thấy mẹ khổ quá nên nghĩ nếu em không học thì mẹ sẽ đỡ tốn kém, còn có thể làm gì đó giúp mẹ. Nhưng rồi thầy cô và cả các cô chú ở xã đến nhà động viên, phân tích cho em thấy nghĩ vậy là sai, rồi hỗ trợ sách vở và cả học bổng để em đi học lại. Em nghe lời, hứa cố gắng học tập thật tốt và trở thành người có ích, không phụ lòng quan tâm gia đình, thầy cô và các cô chú ở xã”.
Cô Ngô Thị Ánh Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A3 Trường THCS Hoài Sơn đã yêu thương, động viên, giúp em Đỗ Minh Chương vượt qua khó khăn để học tập tốt. Ảnh N. Nhuận
Trường hợp của Nguyễn Anh Huy, học sinh lớp 9A2 Trường THCS Hoài Sơn lại khác. Sau khi hôn nhân tan vỡ, mẹ của Huy lo làm lụng, ít quan tâm đến việc học của em; Huy mê game và bỏ học. Thấy con mình học hành sa sút, mẹ Huy bảo em nghỉ học. Nắm được hoàn cảnh này, cô Nguyễn Thị Thúy Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp của Huy một mặt động viên em, một mặt thuyết phục mẹ. Cô Vân tâm sự: “Muốn các em đến lớp phải làm cho các em ham học, vui học. Muốn làm được vậy thì phải yêu thương các em nhiều hơn”. Chính vì điều này - được yêu thương nhiều hơn - mà Huy đã đến lớp trở lại.
Đến nay, hầu hết các trường THCS ở Hoài Nhơn đều kéo tỉ lệ học sinh bỏ học xuống đến mức 0,55%; khối THPT hệ A dưới 0,9%, hệ B 3,1%, hệ A&B 2%. Tất cả các tỉ lệ này đều thấp hơn quy định chung của Bộ GD&ĐT.
Theo cô Ngô Thị Ánh Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A3 Trường THCS Hoài Sơn, đặc thù là xã miền núi, người dân sống bằng nghề nông, có khi bố mẹ ở trên nương rẫy cả ngày nên việc ăn uống, học hành, các em đều tự túc. Không có sự quản lý, giáo dục của cha mẹ, các em dễ bị bạn bè rủ rê chơi game, và rồi ham chơi nên bỏ học. Cũng có nhiều trường hợp học sinh mồ côi, có hoàn cảnh quá khó khăn nên có nguy cơ bỏ học. Vì vậy, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là phải kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư của học sinh để có biện pháp vậnđộng, giúp đỡ các em trở lại trường.
Với sự giúp đỡ tận tình của cô Nguyễn Thị Thúy Vân em Nguyễn Anh Huy đã trở lại trường sau thời gian bỏ học vì mê chơi game. Ảnh N. Nhuận
Chị Lê Thị Vân, mẹ của em Nguyễn Lê Huỳnh Trọng Nghĩa, học sinh lớp 9A8 Trường THCS Hoài Hương - một trong những học sinh bỏ học, được thầy cô quan tâm, vận động trở lại trường - tâm tình: “Chồng tôi đi biển rất ít khi về nhà, còn tôi cũng đi làm ăn xa. Ở nhà hai anh em Nghĩa tự lo ăn uống, học hành. Vợ chồng tôi đã sai khi bỏ bê con cái. Tôi rất biết ơn thầy cô, chính quyền xã, thôn đã can thiệp kịp thời. Giờ tôi đã về lao động ngay tại địa phương để có điều kiện chăm lo cho các con tốt hơn”.
Phát hiện sớm, ngăn dòng nhanh
Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho hay: Trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án, ngành GD&ĐT, các trường đều phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, thị trấn; phát huy vai trò các trưởng thôn, ban đại diện Hội cha mẹ học sinh. Nhưng trước tiên, trường nào cũng nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm bắt hoàn cảnh gia đình, khả năng học tập, diễn biến tư tưởng của học sinh để kịp thời giúp đỡ, ngăn ngừa từ sớm, không để các em nghỉ học rồi mới vận động. Một số trường THCS còn thành lập tổ tư vấn tâm lý, tổ chức các sân chơi bổ ích nhằm lôi cuốn học sinh đến trường.
Nhờ cán bộ xã, thôn và thầy cô động viên kịp thời em Nguyễn Lê Huỳnh Trọng Nghĩa đã chú tâm học tập. Ảnh N. Nhuận
Tâm đắc với quan điểm “ngăn ngừa từ sớm” của bà Nguyễn Thị Hoài Anh, thầy Ngô Đình Tấn, Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Hương, cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ vật chất cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng phân công giáo viên dạy thêm miễn phí giúp các em bổ khuyết kiến thức. Đặc biệt trường chú ý tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, tạo môi trường học tập vui tươi, thân thiện, giáo dục kỹ năng sống cho các em, khích lệ tinh thần để các em say mê học tập. Học mà vui thì các em không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học”.
“Tôi đã sai khi bỏ bê con cái. Tôi rất biết ơn quý thầy cô, chính quyền xã, thôn đã can thiệp kịp thời. Giờ tôi cũng về lao động ngay tại địa phương để gần con mình hơn” - Tâm tình của chị Lê Thị Vân, mẹ của em Nguyễn Lê Huỳnh Trọng Nghĩa, học sinh lớp 9A8 Trường THCS Hoài Hương. Ảnh N. Nhuận
Trong cách làm của Hoài Nhơn để ngăn dòng học sinh bỏ học, vai trò của chính quyền xã rất quan trọng. Ông Trần Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn - địa phương có nhiều thành công trong việc hạn chế học sinh bỏ học, phân tích: Xã nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc này. Các cháu bỏ học thì nguy cơ sa vào con đường ăn chơi, mê game, làm những chuyện sai quấy, dẫn tới phạm tội rất cao. Vì vậy ngăn được một học sinh bỏ học là ngăn được một mầm mống nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn. Chính vì thế, xã Hoài Sơn tích cực phối hợp với nhà trường; kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn để các cháu đi học. Nhờ đó, tình trạng học sinh bỏ học ở Hoài Sơn giảm nhiều”.
Ở xã Hoài Hương, ông Mai Văn Mức, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Hoài Hương là xã miền biển, người dân hay có tư tưởng cho con học hết cấp 2 rồi về đi biển. Nhưng nếu các cháu còn nhỏ mà không đi học thì sẽ chơi lêu lổng, dễ vi phạm pháp luật. Chúng tôi kết nối với nhà trường, thầy cô làm rất kỹ chuyện này. Trẻ còn trong độ tuổi đi học thì không có gì quan trọng bằng chuyện học.
Cuối tháng 12.2018, huyện Hoài Nhơn đã tổ chức Hội nghị sơ kết Đề án hạn chế học sinh bỏ học. Ảnh N. Tú
Hai xã Hoài Hương, Hoài Sơn chỉ là hai điển hình trong vấn đề ngăn dòng học sinh bỏ học. Ở Hoài Nhơn, tại tất cả những xã chúng tôi có dịp tiếp xúc, lãnh đạo xã nào cũng rất quan tâm đến hoạt động giáo dục trên địa bàn. Cuối tháng 12.2018, huyện Hoài Nhơn đã tổ chức Hội nghị sơ kết Đề án hạn chế học sinh bỏ học. Hội nghị này thu hút rất đông lãnh đạo các xã đến dự, bày tỏ sự quan tâm.
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển đánh giá rất cao nỗ lực Hoài Nhơn trong thực hiện Đề án, bày tỏ tâm đắc với cách phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - chính quyền địa phương. Bà Điển nhận định: “Thực tế cho thấy, việc thực hiện tốt Đề án đã giúp chúng ta tinh chỉnh chính ngành của chúng ta. Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới có Phòng GD&ĐT huyện Hoài Nhơn báo cáo Sở GD&ĐT việc triển khai thực hiện Đề án và sơ kết bài bản. Tôi đánh giá cao việc làm này của huyện Hoài Nhơn và đề nghị các phòng GD&ĐT tham khảo, học tập để đề xuất địa phương có những mô hình, cách làm phù hợp, đạt hiệu quả cao”.
N. NHUẬN - T. DỊU - N. TÚ