Hòa giải để ngăn ngừa “điểm nóng”
Ðối thoại và hòa giải luôn là giải pháp hiệu quả cho những khúc mắc, mâu thuẫn từ cơ sở, từ đó xây dựng khối đoàn kết tại khu dân cư. Trong năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở được MTTQ các cấp triển khai sâu rộng và thu được nhiều kết quả, ngăn ngừa phát sinh “điểm nóng”.
Những điển hình
Tại TP Quy Nhơn, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, khu dân cư (KDC) xây dựng, củng cố các tổ hòa giải ở cơ sở; góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội. Như tại phường Lê Lợi, 10 khu phố của phường đều có tổ hòa giải hoạt động tích cực, hiệu quả… Cùng với đó, MTTQ phường chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng tổ an ninh nhân dân tự quản, tổ hòa giải nhân dân; giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Mặt trận tham gia công tác hòa giải gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Hàng năm, cán bộ khu phố, trưởng ban công tác Mặt trận, đại diện các chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi... ở các khu dân cư đều ký quy ước phối hợp hoạt động.
- Trong ảnh: Ký quy ước phối hợp hoạt động ở làng M9, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh.
Chính quyền và MTTQ huyện Vĩnh Thạnh cũng xác định hòa giải ở cơ sở là công tác quan trọng nhằm gìn giữ tình làng, nghĩa xóm, phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật. Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn đã xây dựng được 59/59 tổ hòa giải và nhóm nòng cốt tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư. Bà Huỳnh Thị Sen, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hàng năm, MTTQ phối hợp tổ chức các chuyến công tác đến một số làng có xảy ra vấn đề; cùng các già làng, người có uy tín vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện phong trào “3 không” (không có Fulro - Đề Ga xâm nhập hoạt động; không có tôn giáo phát triển trái phép; không để các tập tục lạc hậu phục hồi, tái diễn)…“. Cách làm hay của huyện Vĩnh Thạnh là các ban công tác Mặt trận thôn đã xây dựng các mô hình điểm, các nhóm nòng cốt, phối hợp với tổ hòa giải thôn tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân ngay tại địa bàn dân cư.
Gần dân, hiểu dân
Có thể nói, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần giữ gìn sự đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan nhà nước và công dân.
Năm qua, kẻ xấu, những đối tượng quá khích đã vin vào cớ dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để lôi kéo, kích động một bộ phận người dân xã Mỹ An, huyện Phũ Mỹ tụ tập đông người, nhằm gây rối, chống phá. Ông Phan Phi Hổ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Sau hơn 1 tháng cùng ăn cùng ở với người dân xã Mỹ An, tôi nhận thấy cán bộ cơ sở còn yếu kém, thiếu trách nhiệm. Về với cơ sở, về với người dân, cán bộ phải có sự chuẩn bị trước trong việc tuyên truyền vận động, và phải biết đâu là điểm bắt đầu để có giải pháp phù hợp”.
Vai trò của cán bộ Mặt trận cơ sở là rất quan trọng. Cán bộ phải không ngại khó ngại khổ, phải tiếp cận những vụ khiếu nại, khiếu kiện ngay từ đầu để hòa giải, tìm cách giải quyết. Phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền hướng giải quyết có tình có lý, không để những mâu thuẫn tích tụ. Tại Hoài Nhơn, hàng tháng, các bí thư chi bộ thôn đều họp giao ban với cấp ủy, lãnh đạo địa phương để quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng; lên phương án chỉ đạo, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong đời sống của người dân trên địa bàn. Ông Phạm Trương, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn, nhận xét: “Năm qua, cán bộ Mặt trận huyện đã thể hiện tốt vai trò của mình. Khi có vụ việc không thể hòa giải ở cấp cơ sở, đã kiến nghị, tham mưu cho cấp có thẩm quyền hướng giải quyết có tình có lý, không để những mâu thuẫn tích tụ”.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phan Phi Hổ, năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở; giám sát việc thực hiện pháp luật, phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng việc thực hiện công tác này. Các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
HẢI YẾN