Kỷ niệm 60 năm ngày khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959 - 6.2.2019): Nhiều hoạt động phong phú
Trong các ngày 26 và 27.1, tỉnh ta sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959 - 6.2.2019). Ðây là dịp để ôn lại truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất của Ðảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Vĩnh Thạnh. Bên cạnh nét trang nghiêm, chương trình lễ kỷ niệm lần này sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, vui tươi.
Lên Vĩnh Thạnh những ngày này, hình ảnh dễ thấy là có nhiều nhóm người quây quần, ôn lại chuyện năm xưa, kể cho nhau nghe về lịch sử hào hùng của quê hương. 60 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân 12 làng của 2 xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh) đồng loạt đứng lên chống lại chế độ Mỹ - Diệm…
Hào hùng Vĩnh Thạnh
Ngày đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cắm chông rào làng, gài cung bẫy đá, lập phòng tuyến chiến đấu chặn đánh địch càn vào làng, đưa người già, phụ nữ và trẻ em vào làng bí mật. Khởi phát từ làng, xã, sau đó phong trào lan tỏa khắp huyện. Nổi bật trong phong trào này là hoạt động vũ trang của du kích và nhân dân hai làng TơLok - TơLek tại gộp Nước Ló (Đăklek) đánh trả thành công 3 cuộc càn của địch, làm chúng hoang mang, khiếp sợ. Sau đó, đỉnh cao vào tháng 6.1959, 50 làng của huyện Vĩnh Thạnh đã đồng loạt đứng lên bẻ gãy các cuộc càn quét, đập tan âm mưu dồn dân của địch, giành quyền làm chủ trên toàn huyện.
Cồng chiêng, múa xoang sẽ thổi lên không khí vui tươi tại Lễ kỷ niệm.
Thời kỳ đó, trên khắp miền Trung, ngoài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh còn có Khởi nghĩa Trà Bồng (Quảng Ngãi), Khởi nghĩa Bác Ái (Ninh Thuận) nhưng tính chất, động lực các cuộc khởi nghĩa này có khác nhau. Nếu như ở Trà Bồng, Bác Ái, không chịu được kìm cặp ở ấp chiến lược, nhân dân khởi nghĩa đòi trở về làng cũ, thì ở Vĩnh Thạnh, nhân dân chủ động chống âm mưu dồn dân của địch.
Sau khi khởi nghĩa thành công, từ đó đến nay, trải qua 60 năm, đồng bào các dân tộc ở huyện Vĩnh Thạnh đoàn kết, đùm bọc, chung sống yên vui - một giá trị văn hóa mới có được từ công cuộc đoàn kết các dân tộc của Đảng. Phát huy giá trị này trong hòa bình, nhiều năm qua, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Vui cùng lễ, hội
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, Chương trình Lễ kỷ niệm diễn ra vào tối 26.1, tại sân vận động huyện, được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng trực tiếp trên kênh BTV. Lễ kỷ niệm gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội, sau đó sẽ có màn bắn pháo hoa tầm thấp chào mừng kỷ niệm 60 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh.
Trong khuôn khổ sự kiện, trước chương trình Lễ kỷ niệm, UBND huyện Vĩnh Thạnh chủ trì một số hoạt động như: Viếng nghĩa trang liệt sĩ (từ 15 giờ - 15 giờ 30 phút, ngày 26.1, tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Hảo); Lễ động thổ xây dựng tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (từ 16 giờ 30 phút - 17 giờ, ngày 26.1, tại đồi Lâm Viên); Hội diễn văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian, liên hoan cồng chiêng và lễ đâm trâu.
Ông Đinh Y Oai, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh cho biết, bên cạnh phần lễ chính, huyện sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng để toàn dân cùng tham gia, mang đến không khí vui tươi, hào hứng. Theo đó, phần thi trại đẹp, mỗi xã, thị trấn có một trại sức chứa khoảng 40 - 60 người có thể sinh hoạt cộng đồng, triển lãm trang trí tranh, ảnh, sản phẩm, nhạc cụ truyền thống… của địa phương. Liên hoan văn nghệ quần chúng hướng tới nội dung nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh, tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; ca ngợi quê hương, con người Vĩnh Thạnh qua 60 xây dựng, phát triển. Đặc biệt, tại trại của mỗi đoàn sẽ diễn ra diễn tấu cồng chiêng.
Chị Đinh Thị Hlat (ở xã Vĩnh Sơn) hào hứng: “Tại ngày hội, mỗi xã được biên chế thành một đoàn thi đua với nhau. Hiện chúng tôi đang luyện tập tiết mục múa cùng một tiết mục tự chọn, chắc chắn không thể thiếu cồng chiêng và múa xoang, nét văn hóa đầy tự hào của dân tộc mình. Hôm trước đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng lên trao tặng cồng chiêng, đồng bào Vĩnh Thạnh phấn khởi hung! Nhờ luyện tập thường xuyên nên cồng chiêng và múa xoang là phần chúng tôi yên tâm nhất”.
Cùng với đó, đội tuyển của 13 đơn vị tham gia hội trại còn tham gia các môn thể thao (bắn nỏ cá nhân (nam, nữ); phóng lao (nam); đẩy gậy (nam, nữ - 4 hạng cân)) và trò chơi dân gian (bịt mắt bắt vịt, nhảy bao bố tiếp sức, bắt lươn trong chum, đi cầu khỉ).
Cả Vĩnh Thạnh đang rộn ràng chờ ngày hội lớn!
THẢO KHUY