Cố gắng kéo ngược người nước ngoài về Việt Nam chữa bệnh
Bộ Y tế cho biết, đang cố gắng kéo ngược người nước ngoài về Việt Nam chữa bệnh, đồng thời giảm số lượng người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh.
Tại buổi gặp mặt báo chí chiều 9.1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế đang cố gắng kéo ngược người nước ngoài về Việt Nam chữa bệnh. Bệnh nhân tuyến trung ương về tỉnh, tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã. Năm 2018, có 300.000 người nước ngoài khám bệnh ở Việt Nam, trong đó hơn 57.000 người điều trị nội trú. Bệnh nhân người nước ngoài thường chọn các dịch vụ như: tim mạch, thẩm mỹ, nha khoa, ngoại khoa.
Theo Bộ trưởng, hiện nay chất lượng khám chữa bệnh ở Việt Nam khá tốt, chất lượng quá rẻ so với các nước trên thế giới. “Chúng tôi đang phấn đấu kéo ngược người nước ngoài đang làm ở Việt Nam khám chữa bệnh luôn ở Việt Nam. Đồng thời cố gắng giảm số lượng người Việt Nam phải ra nước ngoài chữa bệnh”- Bộ trưởng Tiến cho biết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay, một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bênh viện ĐH Y dược TP.HCM nhiều phòng ốc đạt 5 sao, nhiều bác sĩ có “bàn tay vàng” nên rất nhiều người nước ngoài làm việc ở Việt Nam đã vào các bệnh viện này để chữa bệnh.
Bộ trưởng cho biết, trước mắt sẽ nâng cấp chất lượng bệnh viện ở tuyến xã, tuyến huyện. Bên cạnh đó, bệnh viện tuyến Trung ương không nên “tham bát bỏ mâm”, bớt giải quyết các bệnh nhân bệnh nhẹ, tập trung tăng cường các dịch vụ theo yêu cầu. “Mọi người bệnh nhẹ như huyết áp, tiểu đường tuýp 2, đau mắt sẽ được giải quyết ngay tại trạm y tế xã, không cần phải lên tuyến trên. Ở trạm y tế vừa rẻ tiền, vừa không bị lây nhiễm, đỡ mất thời gian”- bà Tiến cho biết.
Theo Bộ Y tế, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. Có 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.
Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài như Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.
Ghép tạng - Một trong những thành tựu của y học Việt Nam.
Đồng thời, các trung tâm y tế chuyên sâu đang được triển khai hiệu quả ở Hà Nội, Huế và TP.HCM với việc mở rộng các chuyên khoa đầu ngành để chuyển giao kỹ thuật theo chuyên ngành. Nhờ đó nhiều kỹ thuật về chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị ngang tầm với các nước trong khu vực như thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, trong đó đã ghép tim thành công.
Đến nay, cả nước đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, tim, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu, trên 300 bệnh nhân được ghép thận, trong đó có 7 trường hợp lấy thận từ người chết não.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, người nước ngoài tìm đến Việt Nam chữa bệnh là dấu hiệu đáng mừng đối với ngành y tế bởi bấy lâu nay chỉ có người Việt ra nước ngoài khám bệnh thì bây giờ người nước ngoài lại đổ vào Việt Nam khám bệnh.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới phong cách ứng xử trong cán bộ công chức viên chức ngành y tế; Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở khám chữa bệnh, chú trọng đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc, tư vấn dịch vụ… để tạo niềm tin, làm hài lòng người bệnh./.
Theo Thy Hạt (VOV.VN)