'Thỏ Ngọc' của Trung Quốc gửi về lời chào từ Mặt trăng
Vừa 'tỉnh dậy' sau giấc ngủ 5 ngày, 'Thỏ Ngọc' - robot tự hành thám hiểm vùng khuất của Mặt trăng, đã gửi lời chào đến những người quan tâm và theo dõi nó trên Weibo - mạng xã hội tương tự Twitter.
Robot tự hành Thỏ Ngọc 2 rời khỏi tàu mẹ ngày 5.1 - Ảnh: REUTERS
Theo Cơ quan không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA), sau khi được thả xuống bề mặt Mặt trăng hôm 5.1, "Thỏ Ngọc-2" đã tự ngừng các hoạt động để sống sót trước sức nóng hơn 200 độ C.
"Ngủ trưa xong rồi, vừa mới dậy và chuẩn bị đi đây!". Đó là dòng trạng thái được chính "Thỏ Ngọc-2" đăng trên Weibo.
Con robot tự hành nặng gần 150kg này sẽ thực hiện các sứ mệnh thám hiểm bề mặt "vùng khuất" của Mặt trăng, cũng như chụp lại các hình ảnh bên ngoài tàu đổ bộ đã chở nó và gửi về Trái Đất.
Thỏ Ngọc là một phần của sứ mệnh không gian có tên "Hằng Nga 4", không chỉ đánh dấu bước tiến vượt bậc trong tham vọng không gian của Trung Quốc mà còn là dấu mốc quan trọng của loài người.
Dù đã quan sát được vùng khuất Mặt trăng từ lâu, đây là lần đầu tiên con người đưa được tàu đổ bộ đến phần chưa bao giờ nhận được ánh sáng của Mặt trời.
Theo CNSA, sứ mệnh Hằng Nga 4 sẽ "vén bức màn bí ẩn" của vùng đất Mặt trăng chưa bao giờ thấy được từ Trái Đất, mở ra một chương mới trong các sứ mệnh thám hiểm "chị Hằng" của nhân loại.
Tàu đổ bộ của sứ mệnh Hằng Nga 4 hạ cánh thành công xuống vùng khuất của Mặt trăng hôm 3-1. Robot Thỏ Ngọc không gặp vấn đề gì khó khăn khi tách ra từ tàu mẹ và lưu lại những vết xích đầu tiên trên lưu vực Nam Cực - Aitken.
Bắc Kinh đã rót hàng tỉ đô la cho chương trình vũ trụ và không giấu tham vọng sẽ có một trạm không gian có người lái trong vòng 3 năm tới.
Các sứ mệnh Hằng Nga 4 vừa rồi và trước đó là Thỏ Ngọc-1 năm 2013 là bước chuẩn bị để Trung Quốc thực hiện sứ mệnh đưa người lên Mặt trăng trong tương lai không xa.
Theo BẢO DUY (TTO)