Ngành y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh: Nhiều chuyển biến đáng ghi nhận
“Ðổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, đó không còn là câu khẩu hiệu suông, mà được nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa bằng nhiều việc làm thiết thực.
Điều dưỡng khoa Nội - BVĐK KV Bồng Sơn tiêm thuốc cho bệnh nhân.
Động lực từ bệnh nhân
BVĐK KV Bồng Sơn (Hoài Nhơn) được giao chỉ tiêu 320 giường bệnh, nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú thường xuyên tại đây luôn nằm trong khoảng 550 đến hơn 700 người. Các khoa Truyền nhiễm, Nội, Nhi, Trung cao… thường xuyên quá tải. Hàng ngày, còn có hơn 800 lượt người đến khám ngoại trú. Cơ sở vật chất xuống cấp theo thời gian, nhiều khoa phòng khá cũ kỹ, thấm dột. Khoa Nội thậm chí còn phải kê giường ra lối đi để người bệnh nằm. Vậy mà khi dạo quanh các khoa, phòng ở bệnh viện này, ai cũng dễ dàng nhận thấy sự trật tự, ngay cả khoa Khám bệnh cũng không có cảnh chen lấn, lộn xộn.
“Ngoài việc hỗ trợ bệnh nhân hàng ngày, chúng tôi còn tìm hiểu hoàn cảnh những người khó khăn đang điều trị nội trú để đến thăm hỏi, động viên, tặng quà và kêu gọi Mạnh Thường Quân đóng góp, giúp đỡ. Mới đây, Tổ triển khai tủ quần áo từ thiện để những bệnh nhân nghèo có thể lựa chọn. Từ ngày có tủ quần áo, nhiều người gọi điện đến ủng hộ, gọi nhân viên bệnh viện đến lấy, khiến chúng tôi rất vui vì có thêm nhiều người đồng hành”.
Ông NGUYỄN HỒNG MAI, Tổ trưởng Tổ Công tác xã hội BVĐK KV Bồng Sơn
Để có được điều đó, bên cạnh khả năng khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ, còn có đóng góp không nhỏ của Tổ Công tác xã hội của Bệnh viện. Với biên chế 6 người, trong đó có 5 điều dưỡng trực tiếp, những nhân viên này có nhiệm vụ tiếp đón, hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh, thanh toán viện phí. Tổ được trang bị 2 xe lăn để đưa những bệnh nhân già yếu, bệnh nặng, không có người thân làm các thủ thuật cận lâm sàng.
Bác sĩ Trần Quốc Việt, Giám đốc BVĐK KV Bồng Sơn, chia sẻ: “Để hướng đến sự hài lòng của người bệnh ngày càng đi vào thực chất, chúng tôi thường xuyên nâng cấp hệ thống trang thiết bị, đưa vào áp dụng nhiều kỹ thuật mới. Cùng với đó, đơn vị đã phổ biến quy tắc giao tiếp ứng xử cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở trong các buổi giao ban, sơ kết, tổng kết; tổ chức các cuộc thi giữa các bộ phận… Bên cạnh đó, thông qua kênh Hội đồng người bệnh, kịp thời chấn chỉnh những hành động chưa phù hợp. Nhờ đó, bệnh viện đã nhận được nhiều thư cảm ơn, khen ngợi từ bệnh nhân. Đó là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục nhiệt huyết với công tác khám chữa bệnh”.
Bắt đầu từ những việc nhỏ
Ngoài thái độ phục vụ hết sức nhã nhặn, lịch sự đã trở thành nề nếp, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế) còn có đội ngũ công tác xã hội hoạt động rất hiệu quả. Thông qua mạng xã hội, Phòng Công tác xã hội đơn vị này kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm, giúp đỡ hiệu quả cho những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo đang điều trị bệnh. Bên cạnh đó, các thành viên Phòng Công tác xã hội ở đây còn thường xuyên tổ chức nấu các bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân thông qua Quỹ Chén cháo tình thương. Thỉnh thoảng họ còn bàn bạc cùng nhau đổi món, mong đem đến cảm giác ngon miệng cho người bệnh. Không ít lần, thành viên của Phòng tình nguyện đi xin sữa từ những người mẹ khác để cho bệnh nhi của mình, nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Hay họ cùng biến ước mơ có chiếc chân giả của một bệnh nhi thành hiện thực… Những hoạt động ý nghĩa, mang đậm tình người và hết sức tự nhiên đó được rất nhiều người ghi nhận, lan tỏa tình yêu thương với cộng đồng.
Với mong muốn tạo sự thoải mái, an toàn cho người bệnh ở khoa Đông y - Phục hồi chức năng, mới đây, BVĐK Hòa Bình đã cho lắp đặt hệ thống tay vịn ở toàn bộ khu vực vệ sinh khoa này. Hành động tuy khá đơn giản nhưng được sự đón nhận rất hồ hởi của đông đảo bệnh nhân khám và điều trị tại đây. Họ hài lòng không chỉ bởi được quan tâm đến những điều tưởng như nhỏ nhặt, mà còn bởi sự thấu hiểu của những người đang giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Bác sĩ Trần Thị Thu, Giám đốc BVĐK Hòa Bình, cho biết: “Tôi luôn căn dặn đội ngũ y bác sĩ của mình phải luôn coi bệnh nhân như người nhà của mình. Có như vậy, chúng ta mới có thái độ ứng xử tốt, toàn tâm toàn ý chữa bệnh cho họ. Chính sự ân cần của bác sĩ, điều dưỡng là liều thuốc tinh thần rất hiệu quả, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục hơn”.
Trong lá thư ký ngày 20.7.2018 gửi Khoa Trung cao (BVÐK KV Bồng Sơn) của ông Ðặng Hồng Sinh (81 tuổi), có đoạn: “Trước khi xuất viện xin gửi đến bác sĩ Tuấn, bác sĩ Xuyến và các cháu trong Khoa lời chân thành cảm ơn về tinh thần, thái độ phục vụ. Bệnh nhân nặng thường hay cau có, cáu gắt, thậm chí chửi bới, nhưng các cháu luôn tươi cười, động viên bệnh nhân, làm cho người bệnh dịu đi, như đối với bệnh nhân Hiệp (cụt chân, sốt cao). Tôi nghĩ, đó chẳng phải là liều thuốc tốt nhất sao…”
ĐỨC MẠNH