Xử lý việc chống người thi hành công vụ: Cần chế tài nghiêm khắc hơn
Gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra khá phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực thi pháp luật của lực lượng chức năng.
Một đối tượng tỏ ra bất hợp tác với lực lượng CSGT khi được kiểm tra nồng độ cồn.
Vi phạm ngày càng tăng
Kết quả khảo sát cho thấy, đối tượng chống người thi hành công vụ phần lớn còn trẻ, khi vi phạm các quy định của luật pháp bị xử lý đã có những lời lẽ xúc phạm lực lượng chức năng, sử dụng tay chân, thậm chí là hung khí để thực hiện hành vi chống đối. Đáng nói, hầu hết đối tượng chống người thi hành công vụ thường sử dụng các chất kích thích như bia, rượu… trước khi thực hiện hành vi. Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), CA tỉnh, cho biết: Thông thường các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ thường nhắm vào lực lượng CSGT, bởi đây là bộ phận hàng ngày, hàng giờ tiếp cận trực tiếp với các thành phần trong xã hội. Khi vi phạm Luật Giao thông bị xử phạt hành chính, đa số đối tượng hiểu và chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng có một số người quá khích, cho rằng hành vi của mình là không trái luật và quay lại gây rối, tấn công người thi hành công vụ.
“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội 2 lần trở lên, có tổ chức cũng như xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.
(Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Đơn cử như mới đây, trong quá trình tuần tra kiểm soát tại ngã 3 Đống Đa, TP Quy Nhơn, CSGT, CA tỉnh phải mất gần 2 giờ đồng hồ mới giải quyết xong vụ việc 1 người tham gia giao thông càn quấy. Cụ thể, đối tượng điều khiển môtô, khi tiếp nhận lệnh dừng xe kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT thì không những không xuất trình giấy tờ, không cung cấp tên, địa chỉ mà còn lấy điện thoại ra quay phim CSGT đang thực thi nhiệm vụ, chỉ tay hăm dọa... Với hành vi trên, lực lượng đã tiến hành lập biên bản xử lý hành chính về hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn và tạm giữ phương tiện.
Trước đó, 2 chiến sĩ CA phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) nhận nhiệm vụ đến hiện trường giải quyết một vụ gây mất trật tự công cộng. Khi thấy CA mặc cảnh phục có mặt tại hiện trường, đối tượng Trần Huy Linh (SN 1984) đã dùng chân đạp một chiến sĩ và giật gậy cao su nhằm cản trở người thi hành công vụ.
Theo thống kê, năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 10 vụ/23 bị can (tăng 6 vụ/18 bị can), riêng những ngày đầu năm 2019 này cũng đã xảy ra vài vụ chống người thi hành công vụ nhưng ở mức độ xử lý hành chính. Có thể nói, việc chống người thi hành công vụ cho thấy một bộ phận người dân coi thường pháp luật, tạo dư luận xấu trong xã hội. Đáng chú ý, các đối tượng chống người thi hành công vụ tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên - lứa tuổi dễ bốc đồng, không làm chủ được cảm xúc, hành vi, không ý thức hết hậu quả, tác hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.
Cần chế tài nghiêm khắc hơn
Theo ngành chức năng, các vụ chống người thi hành công vụ chủ yếu tập trung vào lực lượng cơ sở như CA xã, phường, lực lượng cưỡng chế và CSGT. Do vậy, để giảm những tổn thất đối với lực lượng thực thi công vụ, tùy vào tình hình thực tế và đặc thù mà chủ động bố trí lực lượng phù hợp. Theo đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Trưởng CA huyện Phù Cát: “Lãnh đạo CA huyện căn cứ vào tính chất từng vụ việc mà bố trí lực lượng, biện pháp phòng ngừa phù hợp; đặc biệt luôn bố trí lực lượng dự bị để khi cần là xuất hiện kịp thời và tất cả đều tuân thủ nguyên tắc an toàn tuyệt đối cho lực lượng trực tiếp. Mặt khác, khi thực thi nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đều phải tuân thủ đúng các quy trình, thủ tục”.
Là lực lượng thường xuyên phải tiếp cận hiện trường sớm nhất, Trưởng CA xã Hoài Xuân (Hoài Nhơn) Nguyễn Tấn Đạt cho rằng, mỗi khi tiếp nhận nguồn tin liên quan đến các lĩnh vực, nhất là ANTT thì nhiệm vụ đầu tiên là nhận định tình hình, xác định hiện trường để từ đó huy động lực lượng bảo vệ hiện trường, vận động để ổn định tình hình đồng thời trấn áp đối tượng manh động”.
Cùng với sự chủ động của ngành chức năng trong việc thực thi công vụ, để hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ, mỗi người dân cần tuân thủ đúng pháp luật, tránh tình trạng vi phạm phải bị xử lý theo luật định.
K.ANH