Chương trình tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em: Tiếp tục sử dụng vắc-xin ComBE Five
Bộ Y tế vừa thông báo triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five cho trẻ ở tất cả các tỉnh, thành còn lại trong cả nước từ tháng 1.2019. Quyết định này được đưa ra sau khi đánh giá các chỉ số an toàn của loại vắc-xin do Ấn Ðộ sản xuất qua các đợt tiêm vừa qua.
Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Bình Định đã tiêm cho hơn 8.300 trẻ
Tại Việt Nam, vắc-xin ComBE Five đã được sử dụng tại thực địa 4 huyện của tỉnh Hà Nam năm 2016. Sau tiêm chủng chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm vắc-xin bao gồm: phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ với tỉ lệ từ 5 - 15%; sốt với tỉ lệ 34 - 39%. Trong tháng 10.2018, Bộ Y tế đã chọn 7 tỉnh (trong đó có Bình Định) để triển khai trên diện hẹp về chuyển đổi vắc-xin, nhằm rút kinh nghiệm trong cung ứng vắc-xin. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong đợt tiêm chủng này tỉ lệ phản ứng thông thường (sốt < 39°C, sưng đau tại chỗ tiêm, khó chịu, nôn, tiêu chảy là 6,04%). Có 64 trường hợp (trên 10.473 trẻ được tiêm) sốt cao ≥ 39°C, trong đó có 14 trường hợp được theo dõi tại bệnh viện vì có các biểu hiện kèm theo như rét run, tím tái nhẹ.
“Hiện nay đã xuất hiện các ổ dịch ở các tỉnh trong khu vực, nếu trẻ không được tiêm chủng sẽ rất dễ mắc và tử vong, hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tiêm chủng vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”
Vắc-xin ComBE Five có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên mức độ phản ứng cao hơn so với vắc-xin chứa thành phần ho gà vô bào. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thông thường tỉ lệ phản ứng đối với vắc-xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, trong đó có vắc-xin ComBE Five: sốt từ 38-39°C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, quấy khóc kéo dài 3,5%.
Đến tháng 12.2018, Bộ Y tế đã chỉ đạo tiếp tục triển khai vắc-xin ComBE Five trên diện rộng trong toàn quốc. Theo Bộ Y tế, tính đến đầu năm 2019, đã triển khai được 19 tỉnh trên phạm vi toàn quốc với 101.862 trẻ được tiêm ComBE Five. Ngoài các phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau tại chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc… cũng ghi nhận các trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài nhưng đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, xử trí.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC), tại Bình Định, trong tháng 10.2018 đã triển khai vắc-xin ComBE Five tại 48 xã, phường với 912 trẻ được tiêm. Ghi nhận có 52 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng (tỉ lệ 5,7%), trong đó có 2 trường hợp có biểu hiện sốt cao, co giật và tím tái được theo dõi tại bệnh viện tỉnh và đã ổn định. Trong đợt tiêm chủng tháng 12.2018, đã có 7.416 trẻ được tiêm, ghi nhận 189 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng (tỉ lệ 2,5%), hầu hết là các phản ứng thông thường như sốt < 39oC, sưng đau tại chỗ tiêm, khó chịu, quấy khóc. Có 6 trường hợp có biểu hiện sốt cao, co giật và tím tái được theo dõi tại BVĐK tỉnh, TTYT huyện An Lão, BVĐK KV Bồng Sơn và tất cả đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế xử trí.
Tiêm chủng để tránh bùng phát dịch bệnh
Bác sĩ CKII Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng thực hiện nghiêm các quy định trước, trong và sau khi tiêm. Nhờ đó, qua 2 đợt tiêm, một số trẻ có phản ứng nặng đều được các cán bộ y tế xử trí kịp thời”.
Theo thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc CDC, các phản ứng sau tiêm chủng vắc-xin ComBE Five chủ yếu là do thành phần ho gà toàn tế bào và cơ địa của trẻ. Tỉ lệ phản ứng sau tiêm loại vắc-xin này tại Bình Định thấp hơn tài liệu của WHO và tương đương với các địa phương khác. Tuy nhiên cũng có các trường hợp phản ứng nặng, thời gian xuất hiện phản ứng thường muộn (từ 1 giờ 30 phút đến 5 giờ sau khi tiêm), nhưng nếu phát hiện và xử trí kịp thời thì trẻ sẽ ổn định. Trong khi đó, bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, đang có xu hướng quay trở lại.
Hiện nay đã xuất hiện các ổ dịch ở các tỉnh trong khu vực, nếu trẻ không được tiêm chủng sẽ rất dễ mắc và tử vong, hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tiêm chủng vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên trong tiêm chủng cũng có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng. Những phản ứng nhẹ, thông thường sẽ tự khỏi trong vòng 1-2 ngày, nhưng cũng có thể có phản ứng nặng đòi hỏi phải được xử trí kịp thời. Vì vậy quan trọng nhất là bà mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và phải tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế, chăm sóc, theo dõi trẻ để có thể phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng.
MỘT SỐ LƯU Ý KHI TIÊM VẮC-XIN COMBE FIVE CHO TRẺ:
* Ðối với cán bộ y tế:
+ Thực hiện đúng quy trình, quy định về tiêm chủng, đặc biệt là khám sàng lọc kỹ, tuân thủ đúng chỉ định, chống chỉ định, hoãn tiêm đối với mỗi trẻ, lắc kỹ lọ vắc-xin trước khi tiêm, tiêm đúng kỹ thuật.
+ Theo dõi trẻ tối thiểu 30 phút sau khi tiêm tại điểm tiêm, xử trí kịp thời, tại chỗ khi có phản ứng nặng xảy ra, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện triển khai tốt việc cấp cứu, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nếu có. Tư vấn, dặn dò, hướng dẫn kỹ cho bà mẹ biết cách theo dõi trẻ sau tiêm tại nhà trong khoảng thời gian tối thiểu 48 giờ sau tiêm chủng.
+ Ðối với trẻ đã có phản ứng mạnh với liều tiêm vắc-xin trước như: sốt cao trên 390C trong vòng 1-2 ngày sau tiêm vắc-xin, tím tái, khó thở, co giật có kèm theo sốt hoặc không, khóc dai dẳng trên 3 giờ, giảm trương lực cơ, thì không chỉ định tiêm liều tiếp theo.
* Ðối với bà mẹ, người chăm sóc trẻ:
+ Khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần khai báo kỹ tình trạng sức khỏe của trẻ cho cán bộ y tế, lưu ý tiền sử sinh đẻ, các bệnh tật của trẻ (nhất là trẻ có các bệnh bẩm sinh, trẻ đang mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh mạn tính tiến triển), tiền sử tiêm chủng vắc-xin trước đó, tiền sử dị ứng... để cán bộ y tế biết và quyết định có tiêm vắc-xin cho trẻ hay không. Nếu trời lạnh, cần giữ ấm cho trẻ khi đi tiêm chủng.
+ Sau khi tiêm chủng cần theo dõi trẻ chặt chẽ, thường xuyên quan sát trẻ, chăm sóc trẻ kỹ hơn, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ tốt hơn, nếu trẻ có sốt thì cặp nhiệt xem trẻ có bị sốt cao không. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về các phản ứng sau tiêm chủng để được hướng dẫn đúng cách xử trí. Ðặc biệt lưu ý trẻ có biểu hiện bất thường như: sốt cao >390C, co giật, tím tái, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở... hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời.
LÊ CƯỜNG