Chống lãng phí trong cấp nước sinh hoạt
Nhiều năm qua, tỉnh ta ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách và tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình dự án khác để đầu tư xây dựng 136 công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) phục vụ người dân ở khu vực nông thôn. Phần lớn các công trình này do UBND huyện làm chủ đầu tư, khi hoàn thành, nghiệm thu đã bàn giao cho DN, UBND xã, HTX hoặc tổ cộng đồng dân cư ở địa phương quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ.
Tuy nhiên thực tế cho thấy cách làm trên bộc lộ rất nhiều hạn chế, nhất là đối với những công trình do UBND xã, HTX và cộng đồng dân cư đảm nhiệm. Các thành viên trong các nhóm hoặc tổ quản lý công trình thường kiêm nhiệm nhiều việc, không có chuyên môn về lĩnh vực nước sạch; ít thực hiện việc vệ sinh hệ thống xử lý nước;hệ thống lọc, hóa chất xử lý nước không được thay thế, bổ sung kịp thời và gần như chưa kiểm soát được chất lượng nước cấp.
Nhận thức về lợi ích và cách sử dụng nước sạch sao cho hợp lý của người dân còn nhiều hạn chế. Nhiều cụm vòi nước đấu nối từ hệ thống đường ống chính của công trình đến các khu dân cư bị hư hỏng hoặc bị tháo dỡ, nước chảy thường xuyên, gây thất thoát lớn. Một số người sử dụng nước sinh hoạt để tưới cho cây trồng, dẫn đến tình trạng lượng nước tiêu thụ thì lớn mà tiền thu về thì ít, không đủ bù cho chi phí, không đủ để duy tu, bảo dưỡng công trình.
Hiện tượng trên khiến nhiều công trình có giá trị đầu tư lớn, công suất cao nhưng thua lỗ kéo dài, hoạt động chỉ một thời gian ngắn đã bị “đắp chiếu”. Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện tại tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, do công tác đầu tư, quản lý, khai thác, bảo vệ CTCNTT ở cơ sở có nhiều yếu kém, gây lãng phí ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân. Điều đáng lo lắng là có nhiều hạn chế, khiếm khuyết trong công tác quản lý, vận hành các CTCNTT đã được chỉ ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã kết thúc và việc xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng CTCNTT ở tỉnh vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Trong tình thế này, chắc hẳn việc khắc phục và phát huy hiệu quả các công trình đã xây dựng, giải quyết bức xúc về nước sinh hoạt cho người dân là giải pháp có tính khả thi nhất.
Để làm được điều đó, thiết nghĩ ngành chức năng, chính quyền các địa phương nên rà soát hiện trạng, đánh giá công tác quản lý, hiệu quả hoạt động của các CTCNTT, đơn giá nước, tổng kết mô hình tổ chức quản lý vận hành để tìm ra giải pháp phù hợp. Và đặc biệt là kiên quyết loại bỏ những mô hình tổ chức quản lý vận hành kém hiệu quả, nhất là những mô hình khiến nhiều công trình hư hỏng, “đắp chiếu”. Bên cạnh đó, các địa phương nơi có công trình cần linh hoạt, phối hợp, lồng ghép sử dụng các nguồn vốn khác nhau để sửa chữa các công trình bị hư hỏng, hoạt động không hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến lợi ích của việc sử dụng nước sinh hoạt, nước sạch; vận động người dân và cộng đồng trách nhiệm quản lý, bảo vệ công trình.
MINH HẢI