Quá tải, căng thẳng
Ðây là những từ thường được nhiều người dùng chứ không riêng gì cán bộ, nhân viên khi nhắc đến tình cảnh của Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn hiện nay.
Thành lập năm 1979, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn có sức chứa ban đầu khoảng 150 người. Đến năm 2006, sau khi được nâng cấp, mở rộng, sức chứa của toàn Trung tâm lên 350 người. Thế nhưng, Trung tâm thường xuyên quá tải, hiện đang nuôi, chăm sóc tới 510 người.
Chật hẹp
Ông Đoàn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm phân tích: Theo Nghị định 103 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, diện tích phòng ở của đối tượng bình quân tối thiểu 6m2/người; riêng với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ mỗi ngày, bình quân tối thiểu 8m2/người. Như vậy, cần hơn 3.000m2 phòng ở cho 510 người. Nhưng hiện tại, Trung tâm chỉ có 1.631m2 diện tích ở cho người tâm thần (hơn 3m2/người). Điều này dẫn đến không ít khó khăn cho sinh hoạt, hạn chế chất lượng chăm sóc, hỗ trợ cho người tâm thần tại Trung tâm.
Người tâm thần ăn cơm trưa tại nhà ăn khu nam của Trung tâm.
Trung tâm hiện có 8 khu, với 70 phòng, bình quân mỗi phòng khoảng 23,3m2, có 7 - 8 người. Tất cả các phòng đều kê kín giường, chỉ chừa lối đi hẹp ở giữa. Cảnh 3 người tâm thần cùng nằm chung trên 2 giường là chuyện bình thường. Như phòng lớn nhất của khu nữ hiện có 12 giường nhưng có đến 15 người ở. Sự chật chội này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tinh thần người tâm thần, nhất là vào mùa nắng nóng.
Đang “gồng mình” như vậy nên Trung tâm liên tục phải từ chối tiếp nhận thêm các trường hợp mới, dù các địa phương trong tỉnh liên tục có văn bản đề nghị gởi người. Điều đáng lo là do cơ sở vật chất chật hẹp, Trung tâm chưa sắp xếp được khu vực điều trị cách ly cho người tâm thần nữ mắc bệnh truyền nhiễm. Hiện tại, có 5 người tâm thần nam mắc bệnh lao và 1 trường hợp nữ mắc bệnh tương tự, cần được điều trị cách ly nhằm tránh lây lan.
Áp lực
Trong số 510 người tâm thần đang ở tại Trung tâm, có 10 trường hợp điều trị bắt buộc (đối tượng đã gây án hoặc có công văn yêu cầu điều trị bắt buộc của công an), 22 trường hợp nguy hiểm, hung hãn, 109 người tâm thần nặng (kích động, sa sút giai đoạn cuối).
Ðề án xã hội hóa tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng người bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh ra đời từ năm 2006 hiện đang gặp khó khăn khi mức đóng 1,3 triệu đồng/người/tháng không còn phù hợp với thời giá. Nếu nâng mức đóng lên cao nữa thì các gia đình người tâm thần không có khả năng chi trả bởi hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, người chịu trách nhiệm chu cấp phần lớn đã tuổi cao sức yếu.
Trung tâm hiện có 47 người tâm thần được tiếp nhận theo diện xã hội hóa; trong đó có 41 trường hợp đóng theo mức 1,3 triệu đồng/người/tháng; 1 người đóng theo mức 1 triệu đồng/tháng và 5 người với mức 750 ngàn đồng/người/tháng (hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số...).
“Theo quy định, chỉ với hơn 100 đối tượng tâm thần nặng, Trung tâm phải có đến 50 cán bộ phục vụ. Vậy mà với 510 đối tượng, hiện Trung tâm chỉ có 86 cán bộ, nhân viên. Chỉ tính trên con số thôi đã thấy 86 “người tỉnh” này phải luôn ở trong trạng thái căng thẳng, áp lực kinh khủng đến cỡ nào”, ông Đoàn Thế Tuấn chia sẻ.
Trung tâm đang quản lý 46 đối tượng trên 60 tuổi. Ngoài bệnh tâm thần, sức khỏe suy giảm, các trường hợp này còn mắc bệnh đa khoa khác, thường xuyên chuyển viện điều trị. Ngay trong việc đưa người bệnh đi điều trị tại các cơ sở y tế, nhân viên cũng chịu áp lực rất lớn.
Ông Đinh Công Hân, Trưởng phòng Nghiệp vụ, phân tích: “Không nói đến chuyện vất vả, khi chăm sóc người bệnh, các nhân viên Trung tâm rất lo lắng bởi sợ bệnh nhân của mình gây tâm lý hoảng sợ hoặc có biểu hiện làm đau các bệnh nhân khác đang điều trị chung và người nhà của họ. Cái khó là ở tỉnh ta hiện chưa có khu vực điều trị cách ly cho người tâm thần. Những lúc nhận nhiệm vụ như thế thật sự ai cũng căng thẳng!”.
NGUYỄN MUỘI