Khi dân bán điện cho chính phủ
Một số nước Đông Nam Á đang triển khai chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giúp người dân không chỉ dùng năng lượng sạch mà còn bán điện ngược lại cho chính phủ.
Ở vương quốc dầu mỏ Brunei, năng lượng dĩ nhiên không phải là vấn đề quá cấp bách. Tuy nhiên, nước này lại đang lên kế hoạch triển khai chính sách Feed-in Tariff (FIT) nhằm hướng tới việc đa dạng hóa nguồn năng lượng và khuyến khích sử dụng năng lượng bền vững. FIT được hiểu khái quát là giá bán điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp hoặc bán cho lưới điện.
Không chỉ dùng mà còn bán điện Gánh nặng về chi phí điện của hộ gia đình sẽ nhẹ nhõm hơn, vấn đề môi trường sẽ được cải thiện, việc sử dụng điện sẽ hiệu quả hơn là một số lợi ích mà Brunei có thể hướng tới nếu triển khai chính sách FIT, đặc biệt là điện mặt trời. Tạp chí PV (công nghệ quang điện) cho biết việc sản xuất và xuất khẩu dầu thô và khí tự nhiên chiếm 90% GDP của Brunei. Tuy nhiên, với khí hậu nhiệt đới xích đạo, điện mặt trời là một nguồn năng lượng dồi dào chưa được khai thác rộng rãi. Bộ trưởng năng lượng Brunei Mohammad Yasmin bin Haji Umar - người đề xuất ý tưởng về FIT - cho biết với chính sách mới, người sử dụng điện có thể lắp các tấm pin mặt trời tại nhà và bán ngược lại điện dư thừa cho chính phủ. Điều này sẽ giúp họ giảm bớt được gánh nặng về chi phí điện năng. “Chúng tôi khuyến khích mỗi nhà có bộ phát điện riêng bởi bằng cách này chúng ta sẽ đóng góp điện cho lưới điện quốc gia” - báo The Borneo Post dẫn lời ông Umar và dự báo việc triển khai chính sách mới này sẽ khích lệ các hộ gia đình sở hữu công nghệ quang điện. Chính sách FIT này được cho là sẽ mất 18-24 tháng để bắt đầu triển khai. Các lợi ích của hệ thống FIT còn tốt cho vấn đề biến đổi khí hậu. Brunei muốn khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn. Đây là lý do vì sao Bộ Năng lượng Brunei viết trong Sách trắng về năng lượng rằng nước này đặt mục tiêu 10% tiêu dùng năng lượng vào năm 2035 sẽ đến từ năng lượng tái tạo. Báo Brunei Times cho biết trở ngại lớn nhất đối với điện mặt trời là vẫn cần trợ giá. Đầu tư ban đầu vào lĩnh vực này rất lớn nhưng xét về lâu dài thì việc bảo trì và sửa chữa rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng các nhà máy dầu hay than. Bộ trưởng Umar giải thích rằng để năng lượng mặt trời sinh lời thì sẽ mất thời gian nhưng nguồn năng lượng này sẽ đem lại nhiều mặt lợi về sau. “Các tấm pin mặt trời có tuổi thọ 20-25 năm. Vì thế, nguồn vốn đầu tư có thể thu hồi trong vòng 10 năm” - ông phân tích. Dân Thái đổ xô đăng ký bán điện Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng đặt mục tiêu 40-50% nhu cầu năng lượng đến từ năng lượng tái tạo vào khoảng năm 2030. Báo Gulf Times cho biết Philippines đang có giấc mơ được đánh giá là xanh nhất trong các nước ASEAN với mục tiêu 50% nhu cầu năng lượng đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 với đa số từ điện gió. Indonesia thì đang tìm kiếm các nhà đầu tư cho việc thăm dò năng lượng địa nhiệt. Nước này được biết có trữ lượng năng lượng địa nhiệt lớn nhất thế giới. Báo Eleven Myanmar cũng cho hay Myanmar sẽ xây nhà máy điện mặt trời lớn thứ ba thế giới ở Minbu với sự hỗ trợ của một công ty Thái Lan. Còn tại Thái Lan, như Bangkok Post cho biết, Bộ Tài chính vừa qua cũng lên kế hoạch chi 80 tỉ baht (khoảng 2,6 tỉ USD) để xây dựng trang trại điện mặt trời tại mỗi ngôi làng ở nước này, dự kiến triển khai vào năm sau. Các chính sách đi kèm như ưu đãi giá điện, cắt giảm thuế và ưu tiên đầu tư cho chương trình cũng đang được xem xét. Hồi cuối tháng 9, hơn 800 công ty và 200 hộ gia đình hiện có hoặc đang lên kế hoạch lắp đặt hệ thống phát điện mặt trời đã đổ xô đi đăng ký bán điện cho lưới điện của Công ty Điện lực thủ đô Bangkok (MEA) và Công ty Điện lực liên tỉnh (PEA). Hai công ty này sẽ nhận mua tổng cộng 200 MW điện, một nửa từ các công ty và một nửa từ các hộ gia đình. Trong đó, 120 MW sẽ được phân bổ cho các tỉnh và 80 MW sẽ được phân bổ cho Bangkok. Việc đăng ký bán điện nằm trong chương trình “Mái nhà quang điện” sẽ nhận đơn của các công ty và hộ gia đình đến ngày 11.10. Những đơn được chấp nhận được thông báo vào ngày 14.10. Có những người nộp đơn xếp hàng từ tận 4g sáng để có cơ hội được xin bán điện. Trong số này có Công ty dầu khí Bangchack, nơi dự định bán điện mặt trời từ các tấm pin trên mái 100 trạm xăng, mỗi trạm sản xuất được 11-15 kW. Các nhà kho, siêu thị, trung tâm mua sắm cũng đăng ký bán điện mặt trời. Báo Bangkok Post cho biết sau khi được chấp thuận cho bán điện, các công ty hay hộ gia đình sẽ có 30 ngày để lắp đặt hệ thống quang điện. Theo chương trình FIT của Thái Lan, giá điện mặt trời mà chính phủ mua là từ 6,19 - 6,96 baht/kW (khoảng 4.177 - 4.515 đồng) tùy năng suất. Tất cả các hợp đồng đều có thời hạn 25 năm. Theo tính toán, mỗi hộ gia đình với công suất 10 kW có thể kỳ vọng thu hồi vốn trong vòng 7 - 8 năm với bốn giờ sản xuất điện mỗi ngày. Nhu cầu năng lượng của châu Á rất cao Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo nghiên cứu “Triển vọng năng lượng châu Á - Thái Bình Dương”. Thông cáo báo chí ngày 14.10 của ADB cho biết châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiêu thụ hơn một nửa nguồn cung năng lượng của thế giới vào năm 2035, với mức tăng tiêu dùng điện năng cao gấp đôi tăng trưởng kinh tế. Nhà tư vấn cấp cao về cơ sở hạ tầng và quan hệ đối tác công-tư của ADB, S. Chander, nhấn mạnh quốc gia sẽ không thể tự đáp ứng được yêu cầu năng lượng lớn của mình, vì vậy châu Á-TBD cần đẩy nhanh kết nối mạng lưới các nhà máy điện qua biên giới để nâng cao hiệu quả, cắt giảm chi phí và tận dụng năng lượng dư thừa.
. Theo VIỆT PHƯƠNG (TTO)