Nguyễn Trọng Tạo & Bình Ðịnh: Một sợi thâm tình
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có duyên với Bình Ðịnh. Chắc chắn nhiều người - không chỉ các văn nghệ sĩ - đồng ý với tôi. Tối 7.1, Tạo qua đời, khi ấy tôi có lướt qua trên internet và thấy nhiều dòng chia sẻ chân tình của các bạn văn Quy Nhơn - Bình Ðịnh. Không phải tự nhiên mà như thế, vì lẽ kết nối giữa Tạo với đất và người xứ “Nấu” là một sợi thâm tình.
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (bìa trái) và nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.
Năm 1984, Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vào Quy Nhơn. Đến nơi, Nguyễn Thụy Kha phóng bút viết ngay “Quy Nhơn thành phố thơ ca”, ca khúc này gắn luôn với tên tuổi thành phố biển, từ bấy đến giờ. Với Nguyễn Trọng Tạo, chuyến đi ấy như khúc dạo đầu giữa anh với Bình Định, với Quy Nhơn, để một năm sau - năm 1985, anh về Quy Nhơn - Bình Định cực hoành tráng.
Số là, năm 1985 tỉnh Nghĩa Bình kỷ niệm 10 năm giải phóng quê hương, tôi đề xuất với Tỉnh ủy Nghĩa Bình mời nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao cùng phu nhân vào thăm Bình Định. Tỉnh ủy Nghĩa Bình đồng ý và cùng nhạc sĩ Văn Cao, tỉnh còn gửi lời mời trân trọng tới hai nhà thơ - nhạc sĩ “tả phù hữu bật” của ông là Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo.
Nhận được lời mời của lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình, nhà thơ Văn Cao viết ngay bài thơ “Quy Nhơn 1” với tình cảm rất đậm đà và đặc biệt riêng tư. Khi đó, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo và tôi đang làm biên tập cho tập thơ “Lá” của Văn Cao, nên chúng tôi hy vọng chuyến đi này sẽ khiến tác giả Quốc ca hứng khởi mà viết tiếp thêm những bài thơ về Bình Định, về Quy Nhơn.
Chúng tôi đã dự đoán không sai. Tôi ra Hà Nội đón vợ chồng bác Văn Cao vào Quy Nhơn, chỉ vài ngày sau, cảm cái thịnh tình của lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình, của người dân Quy Nhơn - Bình Định, Văn Cao đã viết liền hai bài thơ “Quy Nhơn 2” và “Quy Nhơn 3” làm thành một “tam tấu Quy Nhơn” tuyệt đẹp. Có thể nói Quy Nhơn là điểm đánh dấu sự trở lại văn đàn thơ Việt của Văn Cao - người từng viết trường ca nổi tiếng “Những người trên cửa biển” mấy chục năm trước.
Nguyễn Trọng Tạo (1947 - 2019) là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ; nguyên Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và là tác giả của những tập thơ, trường ca như: Ðồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Ðồng Lộc), những bài hát: Làng Quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Ðôi mắt đò ngang; tác giả Biểu tượng Ngày thơ Việt Nam, Cờ thơ.
Có lẽ Văn Cao đã truyền cảm hứng sáng tác sang Nguyễn Trọng Tạo nên anh cũng đầy hứng khởi, anh gặp anh em bạn bè văn nghệ và yêu văn nghệ ở Quy Nhơn, quyến luyến không muốn rời. Và khi anh được huyện Hoài Nhơn mời về Bồng Sơn chơi, Nguyễn Trọng Tạo đã viết ngay được một ca khúc rất hay - “Về Hoài Nhơn”, một ca khúc đậm vị dân ca Bình Định và được nhiều ca sĩ ở Bình Định thể hiện thành công.
Trong những ngày cùng vợ chồng bác Văn Cao đi thăm nhiều nơi ở Nghĩa Bình, nhà nhiếp ảnh Vũ Dzoanh Dzụ luôn đi cùng đoàn, và những bức ảnh đen trắng anh Dzụ chụp hồi đó rất ấn tượng. Tôi may mắn còn giữ được một bức ảnh… không phải do anh Dzụ chụp, vì trong bức ảnh đó, Nguyễn Trọng Tạo và Vũ Dzoanh Dzụ đứng bên nhau với tất cả sự hồn nhiên, giản dị tới mức… tối giản, nếu nhìn “bộ đồ vía” mà hai anh đang mặc chụp ảnh. Không biết tác giả bức ảnh ấy là ai, có thể là của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thân, người đã chụp chân dung Văn Cao đặc biệt kỳ diệu trong dịp này. Trong chuyến đi đặc biệt ấy, Văn Cao truyền cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ, thi sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh… nói như vậy là bởi đó là những ngày các nghệ sĩ Nghĩa Bình căng tràn sinh lực sáng tác khi cộng hưởng với ông. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đã ra đời từ chuyến viếng thăm của người nghệ sĩ được cả nước yêu thương. Cả nước yêu, nhưng có lẽ Nghĩa Bình - Quy Nhơn hồi ấy yêu thương Văn Cao chân tình và nồng ấm nhất.
Bài hát “Về Hoài Nhơn” của Nguyễn Trọng Tạo ra đời trong dịp này cũng mang được tình cảm nồng ấm của lần gặp gỡ đặc biệt ấy. Hồi ấy, chúng tôi đều rất nghèo, mà cả nước hồi ấy nghèo chứ chẳng riêng chúng tôi. Nhưng kỳ lạ, là hồi ấy chúng tôi đều viết được khá nhiều tác phẩm, và chỉ viết vì niềm xúc động, vì niềm vui, chứ không hề viết vì lý do gì khác. Những tác phẩm ấy, từ những ca khúc của Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha tới những bài thơ của Văn Cao, của tôi, thảy đều chân thành và mang tình bằng hữu đến tận cùng.
Đó là một thời gian rất đặc biệt, “Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn” (Chế Lan Viên) thì chúng tôi vẫn không bao giờ quên được khoảng thời gian mình sống và sáng tác ở Quy Nhơn ấy.
Nay thì Nguyễn Trọng Tạo đã về cõi vĩnh hằng. Tôi có chuỗi liên tưởng kỳ lạ - nhớ Văn Cao - nhớ Nguyễn Trọng Tạo - lại nhớ về Quy Nhơn 34 năm trước - khi ấy chúng tôi còn trẻ, và Văn Cao cũng chỉ mới… 62 tuổi. Hôm nay, nói chuyện điện thoại với Nguyễn Thụy Kha, hai chúng tôi lại bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian “khổ mà vui” những năm xưa. Ngày ấy, Văn Cao còn uống được rượu, còn khen rượu Bàu Đá “dày” hơn rượu Thổ Hà (Kinh Bắc), còn Nguyễn Trọng Tạo cùng Nguyễn Thụy Kha say đất, say người và đắm đuối với mỹ tửu Bình Định. Năm 1992, Tạo viết về Quy Nhơn và được nhiều người nhớ: “hoa li vàng mùa hạ đã xa xôi/ đường nở trắng một màu hoa trứng cá/ anh nín thở vòng qua eo Nín Thở/ biển xanh hiền trăng thi sĩ lên ngôi...” (Quy Nhơn không đề)… Nguyễn Trọng Tạo còn về Quy Nhơn vài lần nữa nhưng hai lần đầu là nhiều ấn tượng hơn cả.
Bình Định hồi ấy nghèo, nhưng không bao giờ cạn rượu ngon.
Chúng ta thường chậm, còn cuộc đời lại nhanh.
Có phải thế không Tạo ơi!
THANH THẢO