Ðồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh: Ðời sống ngày càng cải thiện
Nhờ nỗ lực thực hiện 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Vân Canh được cải thiện đáng kể.
Mỗi năm, huyện Vân Canh đầu tư hàng chục tỉ đồng từ các nguồn vốn của chương trình 135, xây dựng nông thôn mới…để xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, 71,4% xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa đạt chuẩn; 100% xã có đủ trường, lớp học, có lớp bán trú ở nơi cần thiết; 95% số hộ sử dụng điện sinh hoạt; 6/7 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế… Sự đầu tư hạ tầng mạnh mẽ đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vân Canh.
Không chỉ vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Vân Canh đã được hỗ trợ kiến thức sản xuất qua các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề; được hỗ trợ giống cây, con, vật tư, phân bón… từng bước nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới, tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Để bà con sản xuất cây lúa lai theo quy trình thâm canh, UBND huyện đã lồng ghép các chương trình dự án, hỗ trợ một phần vật tư, phân bón, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT... Nhờ đó, năng suất lúa lai đã đạt 61tạ/ha, tăng bình quân 12 tạ/ha so lúa thuần sản xuất trong cùng điều kiện, lợi nhuận bình quân 1ha cao hơn lúa thuần sản xuất trong cùng điều kiện 3,5 triệu đồng, góp phần ổn định lương thực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều hộ dân làng Canh Phước, xã Canh Hòa đã xây dựng nhà ở, tường rào, cổng ngõ khang trang theo quy hoạch.
Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến đã được đưa vào sản xuất đạt hiệu quả, như: trồng cỏ nuôi bò lai, nuôi dê bách thảo, trồng mì cao sản, trồng cây nguyên liệu giấy…giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Mang Hùng, Trưởng làng Canh Phước, vui mừng cho biết: “Từ ngày xây dựng nông thôn mới, nhận thức của bà con chuyển biến rất nhiều. Bà con biết áp dụng KHKT vào sản xuất, biết nắm bắt giá cả thị trường; trồng lúa lai đạt năng suất cao, nuôi bò lai đạt 70%; trồng keo lai bán được 60 triệu đồng/ha...”.
Về thăm các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vân Canh, chúng tôi thực sự vui, bởi sự đổi mới đáng kể trong từng ngôi nhà, từng con đường làng, ngõ xóm. Ông Đinh Văn Thải, một cán bộ hưu trí sống tại làng Hà Văn Dưới, cho biết ở làng ông ngày càng có nhiều gia đình khá và giàu, có tiền xây nhà khang trang, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt hiện đại và còn có tiền gởi ngân hàng nữa.
Tập quán lâu đời như nhiều gia đình sống chung một mái nhà, nhà ở gần nhau dần được thay đổi. Người dân tách hộ, lập vườn riêng, xây dựng tường rào, cổng ngõ khang trang theo quy hoạch; trồng rau màu, hoa, cây cảnh; sinh hoạt ngăn nắp, vệ sinh; giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp hơn rất nhiều. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được phát huy, đặc biệt trong các dịp lễ hội. Chị Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Thuận, cho biết năm nào xã cũng tổ chức được hội diễn văn nghệ và một vài giải thi đấu thể thao.
HẠNH PHÚC