Cấp đổi thẻ BHYT: Giải quyết trong ngày
Ðó là thông tin được ông Võ Năm, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh, cho biết khi trả lời phỏng vấn Báo Bình Ðịnh về việc cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan đến chính sách BHYT, BHXH cũng như việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách này trên địa bàn tỉnh.
Cấp đổi thẻ trong ngày
* Thưa ông, thời gian qua ngành BHXH nói chung và BHXH tỉnh Bình Định nói riêng đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến chính sách bảo hiểm?
- Những năm qua, chính sách BHXH, BHYT ngày càng phát triển, mở rộng, với mục tiêu thực hiện BHXH cho mọi người lao động và tiến tới BHYT toàn dân đến năm 2020. Tuy vậy, cơ chế, chính sách về thực hiện BHXH, BHYT vẫn còn nhiều bất cập, thủ tục giải quyết chế độ còn rườm rà, phức tạp. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, trong mấy năm gần đây, cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được ngành BHXH nói chung, BHXH tỉnh Bình Định nói riêng, đặc biệt quan tâm, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và quyết liệt chỉ đạo. Nhờ việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn hệ thống BHXH tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục và thực thi chính sách BHXH, BHYT; đã làm cho công chức, viên chức trong ngành BHXH thay đổi cách nghĩ, cách làm, thể hiện tính văn minh, tiến bộ trong công tác quản lý và thực thi chính sách, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, hạn chế thấp nhất những phiền hà không đáng có, tạo niềm tin và sự đồng tình của xã hội.
Kết quả, đến nay toàn ngành cắt giảm từ 115 thủ tục hành chính còn 28 thủ tục hành chính, giảm thời gian đổi thẻ BHYT còn từ 3-5 ngày (quy định của Luật BHYT từ 7-10 ngày) và kể từ ngày 1.1.2019 giải quyết ngay trong ngày; thẻ BHYT khi thất lạc, mất... người sử dụng đến tại cơ quan BHXH gần nhất để được cấp lại thẻ.
* Vậy, ông có thể nói rõ hơn việc cấp đổi thẻ BHYT trong ngày và cơ quan BHXH cấp nào được cấp đổi thẻ?
- Như tôi đã nói ở trên, từ ngày 1.1.2019, trường hợp cấp đổi thẻ BHYT không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết trong ngày khi nhận đủ hồ sơ. Còn việc cấp lại, đổi thẻ được thực hiện ngay tại cơ quan BHXH gần nhất mà người dân thấy thuận tiện. Cụ thể, một người dân ở huyện An Lão, khi vào Quy Nhơn khám, chữa bệnh bị thất lạc, mất thẻ BHYT, thay vì phải chạy về BHXH huyện An Lão để làm lại thẻ mới thì có thể đến BHXH TP Quy Nhơn hoặc BHXH tỉnh Bình Định đăng ký làm lại thẻ mới để tiếp tục khám, chữa bệnh. Thủ tục cấp đổi thẻ cũng rất đơn giản, nhanh gọn. Việc này tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân, bởi hiện nay mỗi ngày trên địa bàn tỉnh trung bình có khoảng 20 trường hợp xin cấp đổi lại thẻ BHYT.
BHXH TP Quy Nhơn cấp đổi thẻ BHYT cho người dân.
Tăng cường công tác tuyên truyền
* Bên cạnh cải cách hành chính, việc đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về các loại bảo hiểm được ngành BHXH Bình Định chú trọng như thế nào?
“Một người dân ở huyện An Lão, khi vào Quy Nhơn khám, chữa bệnh bị thất lạc, mất thẻ BHYT, thay vì phải chạy về BHXH huyện An Lão để làm lại thẻ mới thì có thể đến BHXH TP Quy Nhơn hoặc BHXH tỉnh Bình Ðịnh đăng ký làm lại thẻ mới để tiếp tục khám, chữa bệnh. Thủ tục cấp đổi thẻ cũng rất đơn giản, nhanh gọn”.
- Thời gian qua, BHXH Bình Định đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến với mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, trong năm 2018 số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 6,2%, tham gia BHXH tự nguyện tăng 32,3%, tham gia BHYT tăng 2,1% so với năm 2017; tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 89,1% dân số, vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao (đạt 88,5%).
Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tuy liên tục được đẩy mạnh nhưng tính lan tỏa chưa sâu rộng, vẫn còn một bộ phận người lao động và nhân dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách có ý nghĩa nhân văn này, nhầm lẫn BHXH, BHYT với bảo hiểm thương mại. Chính sách, pháp luật BHXH, BHYT nặng về tính nhân đạo, cộng đồng nhưng nhẹ tính răn đe, xử phạt nên hạn chế trong việc tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của người tham gia, nhất là các DN ngoài quốc doanh né tránh, chưa tham gia và nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn phổ biến.
* Để tỉ lệ người dân tham gia BHYT, BHYT ngày càng cao, BHXH Bình Định đã có những giải pháp “đột phá” gì trong công tác tuyên truyền, thưa ông?
- BHXH Bình Định tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động số 107-CTr/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam, Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, phát triển ổn định, bền vững đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đối thoại trực tiếp chính sách BHYT, BHXH đến người lao động, ĐVTN, người dân và DN trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức của người lao động, người dân để họ tự nguyện, tự giác tham gia, nhất là tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Phấn đấu trong năm 2019, có 16,5% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, 90% dân số có thẻ BHYT.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN PHÚC (Thực hiện)