Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức: Hướng đến hiệu quả thực chất
Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức là hoạt động rất cần thiết. Song, vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để nâng cao hiệu quả.
Liên tiếp trong 2 ngày 10 và 11.1, Sở Nội vụ và Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh phối hợp tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) cho cán bộ, công chức huyện Tây Sơn và Vân Canh năm 2018. Trước đó, nhiều lớp bồi dưỡng tương tự đã tổ chức, là cơ hội để cán bộ, công chức vùng có đồng bào DTTS sinh sống được trang bị kỹ năng nghe, nói, viết để giao tiếp tốt hơn với người dân.
Hiểu để gần gũi
2 lớp bồi dưỡng kể trên được thực hiện theo chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS dùng cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi của tỉnh. Trong đó, lớp tiếng Bana gồm 360 tiết học, lớp tiếng Chăm gồm 420 tiết học.
Ông Yang Danh (bên trái) và ông Đinh Y Nam (phải) trao giấy khen cho các học viên xuất sắc ở Tây Sơn.
Cán bộ VH-XH của UBND xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Những kiến thức thu được từ lớp học này sẽ giúp cán bộ, công chức như chúng tôi hiểu biết hơn về phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc Bana. Khả năng giao tiếp với đồng bào tốt hơn sẽ phục vụ tích cực cho công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Còn chị Trần Thị Chi, cán bộ VH-XH của UBND xã Bình Tân, chia sẻ rằng, lâu nay cán bộ xã vẫn giao tiếp với bà con Bana ở làng M6 bằng tiếng Kinh. Sau lớp bồi dưỡng, tuy nói chưa được thành thạo, nhưng chị đã nghe được nhiều hơn. “Quan trọng là học được phương pháp để tiếp tục tìm hiểu, tự luyện thêm”, chị nói.
Theo đánh giá của ban tổ chức các lớp bồi dưỡng, hầu hết học viên cơ bản hiểu được ngôn ngữ, chữ viết và trao đổi những nội dung thông dụng. Đáng chú ý, số học viên giỏi không những nói tiếng Chăm khá tốt mà còn có thể dạy cho đồng bào chưa biết chữ Chăm. Bà Lê Hiếu Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), khẳng định: “Bồi dưỡng tiếng DTTS là việc làm thiết thực, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức trao đổi, giao tiếp và xử lý công việc hằng ngày với đồng bào DTTS”.
Cần hợp lý, hiệu quả
“Trong khi chưa nói rành rẽ tiếng dân tộc, chỉ cần người cán bộ biết nghe và hiểu là đã giúp mình gần gũi với bà con. Gần gũi thì mới thân mật, làm cho bà con tin theo”.
Nguyên Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh ĐINH Y NAM
Trực tiếp biên soạn tài liệu và đứng lớp bồi dưỡng tiếng Bana là nhà nghiên cứu Yang Danh và nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đinh Y Nam. Đây là một thuận lợi không nhỏ. Tuy nhiên, theo tài liệu dạy tiếng Bana dùng cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, chữ viết mới được phiên âm, mỗi vùng lại phiên âm khác nhau, ngay cả những người tham gia biên soạn chương trình và giảng dạy cũng có một số ngữ âm và chữ viết chưa thống nhất. Đây cũng là tình trạng chung đối với chương trình dạy các tiếng dân tộc khác. Thêm nữa, hầu hết người DTTS chưa biết chữ của dân tộc mình nên khó càng thêm khó.
“Đối với số cán bộ thường xuyên tiếp xúc với người DTTS thì việc tiếp thu sẽ nhanh hơn. Với những người khác, chỉ qua 3 tháng bồi dưỡng ngắn ngủi thì rất khó để nói thành thạo, chỉ nghe được một số từ thông dụng, chưa thể giao tiếp suôn sẻ ngay được”, ông Đinh Y Nam nhận định.
Bên cạnh thời lượng ngắn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, phải tính toán lại thời điểm tổ chức. Diễn ra vào những tháng cuối năm, nhiều học viên gặp không ít khó khăn khi vừa học tập vừa giải quyết công việc nên đến lớp không chuyên cần. Đây là lý do khiến gần 10 cán bộ, công chức tại Tây Sơn phải dừng học chỉ sau 10 ngày khai giảng. “Chúng tôi sẽ lưu ý Phòng Nội vụ tính toán lại cho các lần tổ chức sau, để đảm bảo hiệu quả cao nhất mà vẫn tạo điều kiện cho cán bộ làm việc. Huyện rất quan tâm đến hoạt động này, bởi liên quan trực tiếp đến công tác dân vận và thay đổi đời sống sản xuất của bà con”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Bùi Văn Mỹ cho hay.
Để hiểu và giao tiếp được bằng tiếng DTTS thật sự không đơn giản, cần “mưa dầm thấm lâu”. Phó Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Nguyễn Văn Bê cho rằng, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc hàng năm không nhiều, do đó UBND các huyện miền núi cần ưu tiên cử cán bộ đang thường xuyên tiếp xúc với đồng bào dân tộc đi học. Đồng thời, tỉnh có thể cho phép các huyện dùng ngân sách địa phương hoặc ngân sách của từng ngành để cử người đi học ngoài chỉ tiêu ngân sách của tỉnh.
NGUYỄN VĂN TRANG