Triển khai hóa đơn điện tử: Nơi hào hứng, chỗ e dè
Theo Nghị định 119/2018/NÐ-CP của Chính phủ, lộ trình bắt buộc thực hiện hóa đơn điện tử, thay thế cho hóa đơn giấy là 2 năm, bắt đầu từ 1.11.2018. Nhiều DN thừa nhận lợi ích của hóa đơn điện tử, nhưng việc chuyển đổi và sử dụng vẫn còn e dè.
Nhiều tiện ích
Với hơn 423 ngàn khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh, đều đặn mỗi tháng Công ty Điện lực Bình Định xuất ra khoảng 600 ngàn hóa đơn. Do vậy, hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã thực sự mang lại cho DN rất nhiều lợi ích. Bộ phận cung cấp hóa đơn tiền điện được tiết giảm từ 3 nhân viên xuống chỉ còn 1 người. Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hiền, Phó trưởng phòng Kinh doanh, khẳng định, HĐĐT giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí in ấn, vật tư và nhân lực. Chưa kể, nỗi lo lớn là kho lưu trữ hóa đơn giấy nhiều rủi ro cũng được khắc phục bằng lưu trữ HĐĐT.
Không những mang lại lợi ích cho DN, HĐĐT còn tạo thuận tiện cho khách hàng. Cầm tờ hóa đơn tiền điện tháng 1.2019, ông Nguyễn Thái An, chủ DN hoạt động lĩnh vực công nghệ phần mềm tại TP Quy Nhơn cho hay, HĐĐT đặc biệt tiện cho khách hàng phải kê khai nộp thuế. “Dữ liệu hóa đơn online nên kết hợp thanh toán qua ngân hàng, kho bạc… nhanh chóng, dễ dàng cho khách hàng nộp tiền điện. Chúng tôi cũng không lo hóa đơn bị mất khi HĐĐT đều nằm gọn trong email của DN, tiện tìm kiếm, tra cứu”, ông An chia sẻ.
Đầu năm 2019, ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử - Tin học Việt Khánh (Quy Nhơn) đăng ký triển khai HĐĐT cho đơn vị. Ông Khánh tính toán, sử dụng hóa đơn giấy, công ty ông phải đặt in hóa đơn với giá 2.000 đồng/hóa đơn, nhưng khi sử dụng HĐĐT chỉ mất 300 đồng/hóa đơn. Ngoài ra, sử dụng HĐĐT có thể giúp DN tiết kiệm chi phí chuyển phát nhanh cho đối tác; tiết kiệm thời gian, nhân lực.
Còn e ngại
Sốt sắng áp dụng HĐĐT chủ yếu là các đơn vị đã hoạt động trong thời gian dài, quy mô tương đối. Ngược lại, DN nhỏ, mới hoạt động còn e ngại với lý do… chưa quen sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin và lần lữa đến hạn cuối.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Minh Huệ (Vĩnh Thạnh) cho biết, do là loại hình mới triển khai lại phải áp dụng công nghệ nên để sử dụng HĐĐT, DN cần phải lựa chọn nhà cung cấp đáng tin cậy để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. DN còn lo lắng, cơ quan thuế áp dụng HĐĐT, nhưng cơ quan quản lý khác chưa đồng bộ.
Theo Cục Thuế tỉnh, đến nay tại Bình Định có khoảng 40 DN đăng ký triển khai và sử dụng thử HĐĐT; riêng từ ngày 1.11.2018 đến nay có 12 DN đăng ký sử dụng. Ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) thừa nhận, triển khai sử dụng HĐĐT gặp vướng rất lớn là đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Nhiều cơ sở kinh doanh, nhất là hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ chưa đáp ứng điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin. Mặt khác, thói quen nhận hóa đơn giấy trong giao dịch kinh tế và tiêu dùng cũng là một rào cản, cần nhiều thời gian mới thay đổi được.
Để thực hiện đạt mục tiêu, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện áp dụng HĐĐT phù hợp với điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế, người nộp thuế; chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh kết nối thông tin từ máy tính tiền để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ, cá nhân kinh doanh theo quy định. “Bộ Tài chính cũng phải phối hợp các bộ, cơ quan Trung ương để chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu liên quan cần thiết trong lĩnh vực quản lý để xây dựng cơ sở dữ liệu HĐĐT và phục vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan Trung ương”, ông Phạm Xuân Vinh nói.
Đến nay, Cục Thuế tỉnh phối hợp với VNPT Bình Định và Viettel Bình Định cung cấp hạ tầng và thông tin, hướng dẫn thực hiện HĐĐT cho các đơn vị, DN. “Hiện chúng tôi đang tích cực hỗ trợ cho DN dùng thử dịch vụ HĐĐT, sau đó khách hàng lựa chọn thì mới triển khai chính thức. Đồng thời, thiết lập đồng bộ các mẫu biểu theo mẫu hóa đơn xuất của khách hàng”, ông Nguyễn Quang Khải, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT thông tin.
MAI HOÀNG