Đấu tranh với nạn “tham nhũng vặt”
Người đứng đầu ngành Nội vụ nêu quyết tâm đấu tranh trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt theo chỉ đạo của Trung ương; trách nhiệm nêu gương người đứng đầu...
Sáng ngày 15.1, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ ngành Nội vụ năm 2019. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh ĐỖ TRUNG
Chất lượng công chức, viên chức chưa đồng đều
Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã trình bày cho thấy, trong năm 2018, ngành Nội vụ đã triển khai đạt nhiều kết quả cao trong lĩnh vực quản lý nhà nước như: Cải cách hành chính; quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức bộ máy và biên chế; tổ chức chính quyền địa phương; chính sách tiền lương; công tác tôn giáo…
Hiện nay, Bộ đang tập trung xây dựng 5 dự án Luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Dự thảo Luật Thanh niên; Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Đang xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 20 dự thảo Nghị định.
Năm 2018, Bộ Nội vụ đã thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018 đối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đẩy mạnh thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, góp phần vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế của cả hệ thống chính trị từ năm 2015 đến nay.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, mặc dù Bộ đã triển khai được nhiều công việc năm qua, nhưng vẫn còn hạn chế nhất định trên các lĩnh vực công tác trong ngành nội vụ. Trong công tác xây dựng thể chế vẫn còn việc tham mưu văn bản ban hành quy định có nội dung chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khi triển khai trong thực tiễn; tiến độ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chất lượng chưa cao, vẫn còn nhiệm vụ xin lùi hoặc đề nghị đưa ra ngoài chương trình công tác. Công tác theo dõi thi hành pháp luật còn một số bất cập, thiếu nguồn lực để triển khai, chưa thu hút được sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân vào hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.
Vẫn có một số địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức để bố trí cán bộ chuyên trách các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế không theo đúng trình tự quy định, có những trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản biên chế.
Công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin trong nhân dân.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính tuy đã được tăng cường nhưng còn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; một số cơ quan, đơn vị còn thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc có những hạn chế trên là do chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đồng đều, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu, đề xuất các biện pháp giải quyết còn yếu; chưa xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Cũng tại Hội nghị, Bộ Y tế nêu lên việc “Đổi mới Hệ thống Tổ chức cán bộ ngành Y tế thực hiện theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả”. Trong khi đó, UBND TP Hà Nội trao đổi về “Kinh nghiệm và thực tiễn trong việc rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ; việc xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm, chuyển đổi cơ chế quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tinh giản biên chế, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; giải pháp triển khai Đề án Quản lý theo mô hình chính quyền điện tử”.
Quyết tâm giải quyết tham nhũng vặt
Đề ra các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, ngành Nội vụ đặt ra mục tiêu, hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục rà soát, thực hiện phân cấp hợp lý, bảo đảm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước giữa các cấp hành chính và các cơ quan hành chính trong cùng cấp. Kiểm soát chặt chẽ số lượng cấp phó trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm chỉ bổ nhiệm cấp phó khi còn chỉ tiêu về số lượng cấp phó trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Đối với công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề ra mục tiêu sẽ hoàn thiện Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trình Quốc hội trong năm 2019. Đây là cơ sở để ngành Nội vụ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, năm 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không những Bộ mà cả hệ thống chính trị phải tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
Với phương châm tinh thần của ngành Nội vụ trong năm 2019 là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin”. Trong năm 2019, Bộ trưởng Tân đề nghị cần đẩy mạnh ngay cải cách hành chính trong chính Bộ Nội vụ; rà soát, bổ sung sửa đổi về Đề án vị trí việc làm, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Cũng trong hội nghị này, người đứng đầu ngành Nội vụ nêu quyết tâm đấu tranh trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt theo chỉ đạo của Trung ương; trách nhiệm nêu gương người đứng đầu…
Theo ĐỖ TRUNG (SGGP)