Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Khai mạc APPF-27
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự khai mạc Diễn đàn APPF-27 tại Campuchia.
Sáng 15.1, tại Siem Riep, Vương quốc Campuchia đã diễn ra lễ Khai mạc Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 27 (APPF-27) với chủ đề “Tăng cường mối quan hệ giữa các nghị viện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”.
Mở đầu phiên khai mạc, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã gửi thông điệp chào mừng các đoàn đại biểu APPF-27; bày tỏ vinh dự khi Campuchia là nước chủ nhà tổ chức diễn đàn quốc tế quan trọng để bàn về các vấn đề lớn của khu vực.
Quốc vương cho rằng, các mối quan hệ đa phương đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ, khủng bố, chủ nghĩa dân tộc tại một vài nơi trên thế giới. Giờ là thời điểm các nước cần phải đoàn kết để định hình các mối quan hệ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng tăng cường các nền tảng vì hòa bình, tự do, dân chủ và thịnh vượng.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn APPF-27.
Ông Takuji Yanagimoto, đại diện của Ngài Yasuhiro Nakasone, người sáng lập, Chủ tịch danh dự của APPF đã cho rằng, 26 năm trước, năm 1993, APPF đã được thành lập dựa trên nền tảng của tin tưởng, tôn trọng, hiểu biết, khoan dung, đoàn kết cùng với sự đa dạng độc đáo của Thái Bình Dương về chủng tộc, sắc tộc, truyền thống, tôn giáo, văn hóa và các thể chế chính trị. Hơn 1/4 thế kỷ sau đó, APPF luôn tiến về phía trước và không bị dao động từ lý tưởng mà APPF đã đưa ra.
Với tư cách là một trong những người sáng lập APPF, Ngài Yasuhiro Nakasone bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao về sự tiến bộ không ngừng của diễn đàn này. Một ví dụ nổi bật trong những năm gần đây, đó sự thành lập của nhóm nữ nghị sĩ. Sáng kiến này được duy trì thường niên của các nước chủ nhà bao gồm Canada, Fiji và Việt Nam.
Nếu APPF tiếp tục trở thành diễn đàn nổi bật của các nghị sĩ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì cần phải nhạy bén với những thay đổi của thời đại và đáp ứng nhu cầu của người dân ở các quốc gia trong khu vực, đó là những thách thức về tầm nhìn về tương lai cũng như mạnh dạn tiến về phía trước.
Phát biểu tại lễ khai mạc, với tư cách nước chủ nhà của APPF-26, Chủ tịch Quốc Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, năm 2018, Hội nghị APPF lần thứ 26 được tổ chức tại Việt Nam với Tuyên bố Hà Nội đánh dấu chặng đường 25 năm phát triển của APPF, mở ra một Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương tới năm 2030, trong đó đề cao đẩy mạnh tự do hóa thương mại, thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước thành viên, thúc đẩy các nước thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển, nhất là thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) còn dang dở và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Tại APPF 26, một trong những điểm nhấn là việc lần đầu tiên Hội nghị Nữ Nghị sỹ APPF đã trở thành cơ chế chính thức và định kỳ tại các kỳ họp thường niên của Diễn đàn, với kỳ vọng đây sẽ là một cơ chế hữu hiệu giải quyết những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, bảo vệ lợi ích của phụ nữ, trẻ em gái ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tham dự APPF-26.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này là “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”, phù hợp với định hướng quan hệ đối tác nghị viện, yêu cầu và xu thế phát triển của toàn cầu nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng trong giai đoạn mới.
Kiên trì các mục tiêu độc lập, tự chủ, đối thoại và hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc là nền tảng căn bản để giữ vững hòa bình, an ninh và phát triển. Điều quan trọng hơn cả là những mục tiêu phát triển bền vững phải được trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài cho các chính sách phát triển của các quốc gia; xuất phát từ nguyện vọng của người dân, bảo đảm được lợi ích của người dân mà chúng ta là những người đại diện.
Về phía Quốc hội Việt Nam, trong năm qua đã tích cực triển khai các nghị quyết của APPF-26 trên các lĩnh vực liên quan, trong đó có Nghị quyết về thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Thực hiện Nghị quyết này, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động ngoại giao nghị viện, đưa ra những khuyến nghị nhằm củng cố môi trường hòa bình trong thời đại sáng tạo, đổi mới công nghệ, thúc đẩy khuôn khổ pháp lý, triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đồng thời đề cao tầm quan trọng của các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực nhằm gìn giữ hòa bình, an ninh, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa nguy cơ xung đột.
Toàn cảnh Diễn đàn APPF.
Để APPF tiếp tục là Diễn đàn hoạt động hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nghị viện thành viên tiếp tục quan tâm một số vấn đề cụ thể: “Tiếp tục hợp tác toàn diện, chặt chẽ trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và phát triển bền vững.
Trong tiến trình này, cần có một lộ trình phù hợp, dựa trên tinh thần đồng thuận, đoàn kết, với phương châm “không bỏ ai lại phía sau” và “biến lời nói thành hành động”. Cam kết hợp tác bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau, đối thoại và cùng có lợi, giải quyết các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nước cần mở rộng trao đổi hợp tác giữa các nghị viện trong khu vực, phát huy tối đa vai trò trong việc giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại mỗi quốc gia; APPF tiếp tục đổi mới tổ chức, quy trình và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường sự phối hợp và quan hệ giữa kênh lập pháp và hành pháp của các nước trong khu vực; cần tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, xây dựng cơ chế giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết được thông qua tại mỗi kỳ APPF để nâng cao tính hiệu quả trong các hoạt động của Diễn đàn.
Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Hun Sen cũng cho rằng, hiện nay thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề như an ninh lương thực, khủng bố.... Do đó, Diễn đàn có vai trò rất quan trọng để các nước thảo luận về các vấn đề này.
Thủ tướng Hun Sen đề nghị Diễn đàn tập trung thảo luận về vai trò của Liên Hợp Quốc, ASEAN, an ninh lương thực và các nước phải giải quyết mâu thuẫn bằng phương pháp hoà bình, theo luật pháp quốc tế. Tăng cường hợp tác để đưa các nước phát triển hoà bình, thịnh vượng.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Hun Sen cảm ơn Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng cách đây 40 năm, tạo điều kiện cho đất nước Campuchia hồi sinh, phát triển như ngày nay.
Trước bối cảnh biến động của toàn cầu, ông Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-27 lạc quan cho rằng, APPF-27 là cơ hội để củng cố hợp tác, hòa bình, an ninh, phát triển bền vững; đây cũng là cơ hội để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; cùng với đó là bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên toàn thế giới bằng cách thông qua nghị quyết đối phó với những vấn đề và những mối quan tâm chung của các quốc gia thành viên.
Ông Heng Samrin nhấn mạnh, sự kiện hôm nay rất quan trọng để kết nối các ý tưởng và hiện thực hóa tầm nhìn xa, để củng cố hợp tác trong môi trường quốc tế hiện nay, giữa các xung đột về địa chính trị, căng thẳng khu vực và chủ nghĩa bài ngoại.
Vì thế, ông Heng Samrintôi đề nghị hội nghị tập trung một số nội dung đó là: Tạo cơ chế quan sát đánh giá và học tập về bình đẳng giới; tạo nhóm công tác phụ trách về ảnh hưởng của công nghệ 4.0, đặc biệt là đối với phụ nữ và các bé gái; xây dựng chính sách giáo dục bền vững và rộng mở; tăng cường quan tâm và đề cao bình đẳng giới, trong đó có giáo dục cơ bản đối với các bé gái tại vùng sâu, vùng xa; cơ chế an sinh xã hội.
Diễn đàn vẫn đang diễn ra với những phiên thảo luận về những vấn đề mà các nghị viện cùng quan tâm./.
Theo Lê Tuyết (VOV)