Những hiện tượng lệch lạc cần phê phán (Tiếp theo và hết)
Bài 2: Đừng “bắn súng lục” vào quá khứ!
Không chỉ trong nghiên cứu lịch sử, các năm gần đây còn xuất hiện một hiện tượng khá bất thường trong đời sống, sinh hoạt văn học - nghệ thuật nước nhà. Đó là tình trạng một số cá nhân lên tiếng phủ nhận các thành tựu, giá trị văn học - nghệ thuật đã được khẳng định, tôn vinh. Loại luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật như vậy dù không nhận được sự đồng tình nhưng vẫn lan truyền qua mạng xã hội, gây nên sự bất bình trong dư luận lành mạnh.
Mới đây trên facebook cá nhân, một người từng tự nhận là “nhà thơ chuyên nghiệp với số lượng và chất lượng hàng đầu”, và từng tự tin nói rằng nếu ai “thấy không thỏa đáng thì xin đề cử và ứng cử ở Việt Nam có người hơn tôi?” đã lớn tiếng mạt sát Truyện Kiều của Nguyễn Du. Theo người này thì Truyện Kiều chỉ là “hàng nhái”, “đóng vai bảo bối cho mặc cảm mù chữ, quê mùa vô học”. Rồi từ việc chê bai, miệt thị Truyện Kiều, người này đi đến chỗ cho rằng việc người Việt Nam lấy Truyện Kiều làm khuôn vàng thước ngọc là “nguyên nhân khiến cho tinh thần và văn hóa của dân tộc hèn yếu”, rồi tự mãn đến mức “xin thách đấu thơ với Nguyễn Du cả bài ngắn lẫn thơ dài”.
Sinh thời, Nguyễn Du (1766 - 1820) từng khiêm tốn cho rằng tác phẩm của ông “mua vui cũng được một vài trống canh”. Song với Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, Văn chiêu hồn, thơ chữ Nôm và tiêu biểu là Truyện Kiều, ông đã góp một phần rất quan trọng vào di sản văn hóa, văn học của dân tộc. Vì thế người Việt Nam đời sau đã tôn vinh ông là “Đại thi hào dân tộc”. Với những giá trị đặc biệt như vậy, đến nay, chỉ riêng tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với hơn 60 bản dịch khác nhau (như: tiếng Nhật Bản có 4 bản, tiếng Anh 7 bản, tiếng Pháp hơn 10 bản...), được người đọc trên thế giới đón nhận, đánh giá cao về giá trị văn học, nghệ thuật, sự sáng tạo, tính nhân văn...
Năm 1964, để ghi nhận cống hiến của Nguyễn Du với văn học Việt Nam và văn hóa nhân loại, Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của ông, cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Ngày 25-10-2013, kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) đã nhất trí vinh danh Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới cùng 107 người khác. Chỉ những thông tin vắn tắt này cũng đã phần nào nói lên tầm vóc nhà văn hóa lớn của dân tộc. Vì vậy, hành vi ngạo mạn xuyên tạc, bóp méo như trên với Nguyễn Du chỉ cho thấy một việc làm lố bịch, hoang tưởng thậm chí là thiếu văn hóa. Phải chăng người làm thơ này muốn gây chú ý bằng hành vi “đốt đền”? Đáng buồn hơn là thay vì bày tỏ chính kiến, góp ý cho hành động của vị nhà thơ, trên mạng xã hội lại có một số người a dua, cổ xúy cho việc làm phản văn hóa như thế. Trước hiện tượng này, một nhà văn phải lên tiếng bày tỏ sự bất bình: “Về cái hay, cái đẹp và giá trị của Truyện Kiều thì đã được khẳng định từ lâu, từ trong nước cho đến quốc tế... Chỉ mong rằng những ai không đủ tâm, đủ tầm, đủ tài để tôn cao thêm nền văn hóa dân tộc thì cũng đừng vì một lý do nào đó mà đi đào phá. Những việc làm ấy chỉ tốn công vô ích mà thôi”.
Trường hợp nêu trên chỉ là một thí dụ điển hình cho tình trạng đáng quan ngại về việc cố tình phủ nhận giá trị văn chương được tôn vinh, phủ nhận người có đóng góp với văn học nước nhà, hoặc lợi dụng văn học để xuyên tạc lịch sử, hạ bệ thần tượng... do lệch lạc trong tư tưởng thẩm mỹ hoặc để mưu cầu mục đích riêng. Như đã có tác giả mô tả Nguyễn Trãi qua những trang văn tràn đầy nhục cảm, thông tin sai lạc; Nguyễn Huệ, Trần Thủ Độ bị biến thành những con người thô tục, đời sống tính dục bệnh hoạn. Tác giả khác lại biến Lý Thường Kiệt thành người có mối tình đồng giới với Vua Lý Nhân Tông. Có cuốn sách, dù nhóm tác giả tự giới thiệu tác phẩm: “vì nền văn học và sử học truyền thống của nước nhà, vì sự nghiệp phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa vốn có của thể thơ lục bát xa xưa” song lại biến Bà Triệu thành “ả Hoa Đào”. Nguy hiểm hơn, có người ngang nhiên biến Trần Ích Tắc thành người trung quân ái quốc, sẵn sàng xả thân cho đất nước. Không chỉ ca ngợi kẻ phản quốc, người đã đưa ra sản phẩm này còn xây dựng hình ảnh Trần Thánh Tông như kẻ thất bại thảm hại, còn Trần Nhân Tông thì thành người bạc nhược, yếu đuối...
Trước thực trạng nêu trên đã khiến dư luận không ít lần hết sức phẫn nộ. Tại hội thảo “Sáng tác văn học về đề tài lịch sử” của Hội Nhà văn Việt Nam, một nhà văn đã thẳng thắn chỉ rõ: “Người ta đã biến Nguyễn Bặc, Đinh Điền trở thành kẻ bán nước để tôn vinh Dương Vân Nga. Hay bà Thái hậu Thượng Dương hiền lành bị biến thành một phụ nữ lăng loàn để hình ảnh bà Ỷ Lan thêm đẹp. Lịch sử không phải là con rùa để hết người này đến người kia lật ngửa để thể hiện bản lĩnh hay cá tính của mình”. Do đó, không thể không lo ngại về ảnh hưởng nguy hại từ những “sáng tạo” mà thực chất là bóp méo sự thật, bôi xấu người anh hùng, người tử tế trong lịch sử. Nhà báo lão thành Hà Đăng cũng từng khẳng định: “xuyên tạc, bôi nhọ để cho ai đó đọc cảm thấy hổ thẹn về lịch sử, về dân tộc mình,... thì đó quả là một sự nhục mạ, một sự phản bội không thể tha thứ”. Việc làm nêu trên là kết quả của sự non kém trong nhận thức, yếu kém về tài năng hay nhằm mục đích cá nhân gì, có lẽ chỉ người trong cuộc mới có thể trả lời. Song tác phẩm hoặc phát ngôn tùy tiện, thiếu chân thực của họ hoàn toàn có thể gây ngộ nhận, hiểu lầm. Chúng ta không đánh đồng lịch sử với văn học, nhưng về nguyên tắc thì sáng tạo của nhà văn chỉ được thừa nhận khi không đi ngược lại lịch sử, không xuyên tạc, bóp méo lịch sử, không để hạ bệ thần tượng. Thực tế đã cho thấy, chỉ những tác phẩm về đề tài lịch sử ra đời từ tài năng của nhà văn kết hợp nhuần nhuyễn với sự tuân thủ nguyên tắc đó mới tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả. Cùng xu hướng nêu trên, cần phải nói tới hiện tượng phủ nhận giá trị của một số tác phẩm văn học ra đời trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tại không ít diễn đàn, một số tác giả, tác phẩm văn học tiêu biểu của thời kỳ này trở thành “bia ngắm” của một số cá nhân với đánh giá cho rằng các tác giả, tác phẩm này chỉ đơn thuần phản ánh hiện thực, không có giá trị nghệ thuật. Như một Giáo sư coi thơ Tố Hữu “không có giá trị lâu dài có lẽ vì ông chọn cho mình con đường làm thơ chính trị”. Điều đáng ngạc nhiên là chính Giáo sư này trước đó đã từng khẳng định: “Thơ Tố Hữu cũng là sự chứng minh hùng hồn cho ý kiến của Sóng Hồng: Thơ chính trị là thơ trăm phần trăm như các thơ khác. Bởi vì Tố Hữu làm thơ chính trị theo đúng quy luật nghệ thuật, nghĩa là bằng trái tim náo nức của mình... Với thơ ông, tính thời sự không hề mâu thuẫn với tính nghệ thuật và giá trị lâu dài của tác phẩm văn học”… Sự xuất hiện “tiếng nói ngược” như vậy đã được một số người lợi dụng, cổ xúy, khuếch trương, qua đó từng bước phủ nhận thành tựu của văn học cách mạng, mà mục đích cuối cùng là đối lập văn nghệ với chính trị, lôi kéo văn nghệ sĩ theo cái xấu phủ nhận thành quả cách mạng chống phá chế độ... Trong một diễn biến khác, có văn nghệ sĩ nhân danh cái “mới”, nhưng thay vì cái mới cần được xây dựng từ việc tiếp nối các giá trị truyền thống, thì họ lại lớn tiếng đòi bác bỏ và đoạn tuyệt với cái “cũ”, đòi có một cuộc “thay máu” lực lượng kế cận trong văn học - nghệ thuật. Điều này đồng nghĩa với việc phủ nhận toàn bộ thành tựu, đóng góp của các thế hệ văn nghệ sĩ tiền bối của thế hệ đi trước, coi đó là nguyên nhân của thành trì bảo thủ, lạc hậu, không phù hợp với xu thế thời đại, rồi biến thành mục tiêu để đả kích, phủ nhận.
Mọi suy nghĩ khách quan, nghiêm túc đều khẳng định rằng, cùng với tiến trình lịch sử, văn học của mỗi dân tộc là một quá trình phát triển liên tục từ quá khứ đến hiện tại, sản phẩm sáng tạo của nhà văn được lưu giữ đều luôn hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Là con người xã hội, nhà văn có trách nhiệm công dân, có trách nhiệm với dân tộc đã sinh ra mình. Văn học không phải là “tháp ngà” và nhà văn chỉ "Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Sáng tạo văn học nghệ thuật không thể né tránh, thực tiễn cuộc sống và không đáp ứng các yêu cầu cụ thể của xã hội. Đó là cơ sở lý giải tại sao từ năm 1945 đến năm 1975, dấn thân cùng cả nước tập trung toàn bộ sức lực cho hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, các nhà văn Việt Nam đã tìm thấy sinh khí cho ngòi bút của mình. Bởi, các thế hệ thanh niên hy sinh tuổi xuân trên chiến trường, những người mẹ, người vợ vất vả, tần tảo ở hậu phương sẵn sàng hy sinh đến cả núm ruột, máu mủ của mình, những tội ác kẻ ngoại xâm gây ra cho dân tộc,… khiến các nhà văn tự ý thức về sứ mệnh nghề nghiệp và nhập cuộc bằng trách nhiệm công dân, để hình thành đội ngũ nhà văn - chiến sĩ cống hiến cho dân tộc rất nhiều tác phẩm để đời, góp phần đi tới kỳ tích ngày 30-4-1975. Không nhận thức nghiêm túc điều này, mà phủ nhận thành tựu của văn học cách mạng là không thể chấp nhận. Những ai đang chọn chỗ đứng ở “bên lề”, thờ ơ, đưa ra ý kiến lạc lõng về hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cần xem xét lại mình. Vì mấy từ khóa họ yêu thích như “đạp đổ cái cũ”, xây “thành lũy mới” chỉ biểu thị cho suy nghĩ viển vông, vô trách nhiệm. Bằng việc làm của mình, họ tự cắt rời với truyền thống, tự cắt đứt mối liên hệ máu thịt với dân tộc, vì thế chắc chắn họ sẽ bị người đời sau nhắc tới như tấm gương xấu. Bất luận thế nào thì cuộc sống hôm nay có phần xương máu của cha anh, cho nên đừng làm điều vô ơn với quá khứ. Với trường hợp đáng trách đó, cần quan tâm câu nói chưa bao giờ lỗi thời của nhà thơ Abutalib Gafurov (A-bu-ta-líp Ga-phu-rốp) ở Dagestan (Đa-ghe-xtan): “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Thực tế cho thấy, số người lợi dụng tự do sáng tạo, tự do ngôn luận để phủ nhận, xuyên tạc một số giá trị văn hóa và lịch sử thiêng liêng của dân tộc không nhiều. Nhưng sự lan truyền qua mạng xã hội của các sản phẩm đó chắc chắn sẽ phần nào gây nguy cơ tác động xấu đến người tiếp xúc, nhất là với giới trẻ thế hệ đi sau vốn đang cần tích lũy, nhận được kinh nghiệm kiến thức từ thế hệ trước. Vì thế, trước sự nhiễu loạn của loại thông tin không chính thống, trong đó có thông tin độc hại, hiện tượng phủ nhận quá khứ, hạ bệ thần tượng thể hiện trong nghiên cứu lịch sử, sáng tác và công bố luận điểm về văn học thời gian qua, bên cạnh sự lên tiếng kịp thời của truyền thông chính thống, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, vai trò của người đọc là vô cùng quan trọng. Nếu mỗi người đọc tự trang bị một nền tảng tri thức vững chắc, luôn tỉnh táo trước thông tin chưa được kiểm chứng có ý thức, trách nhiệm trong tiếp nhận, truyền tải thông tin, kịp thời và nghiêm khắc lên án quan điểm lệch lạc... thì chúng ta sẽ góp phần tiếp tục ngăn chặn cái xấu, củng cố, phát triển đời sống tinh thần xã hội lành mạnh, có ý nghĩa với hiện tại và tương lai.
Theo PHẠM NGUYỄN (nhandan.com.vn)
Những hiện tượng lệch lạc cần phê phán (Kỳ 1)
Bài 1: Tiếp tay, đồng lõa phá hoại niềm tin và giá trị xã hội