“RAT” lan tỏa trên các vùng rau
Sau Thuận Nghĩa (Phú Phong, Tây Sơn), Phước Hiệp (Tuy Phước), gần đây, người dân các vùng rau trong tỉnh có xu hướng chuyển sang trồng rau theo các tiêu chuẩn an toàn, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ðiểm đáng vui là xu hướng này lan rộng từ đồng bằng lên đến miền núi.
Trồng rau an toàn
Ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, sau giai đoạn làm quen, nay đồng bào Bana đã bắt nhịp tốt với phương thức canh tác rau an toàn (RAT). Từ khi RAT Vĩnh Sơn xuất hiện trên các kệ hàng của siêu thị ở Quy Nhơn, người trồng rau có thêm động lực để mở rộng diện tích canh tác, rủ nhau cùng trồng rau.
Vườn rau an toàn của nông dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: TRẦN NGỌC SỸ
Theo anh Đặng Vũ Thế Phong, một người dân ở làng K4, xã Vĩnh Sơn, không chỉ học được cách sản xuất đúng kỹ thuật, chúng tôi còn được hỗ trợ nhiều kiến thức về bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường từ việc sản xuất an toàn này. Đến nay, ngoài diện tích gần 2 sào trồng theo mô hình được Nhà nước hỗ trợ, tôi còn tự trồng RAT trong vườn nhà, phục vụ nhu cầu hàng ngày và bán cho dân trong xã.
Theo ông Trần Công Quang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, được Dự án Rau an toàn Bình Định (Sở NN&PTNT) hỗ trợ với mục đích tạo sinh kế, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Sơn khá lên trông thấy. Khác với trước, ngoài sự hỗ trợ từ nguồn vốn Dự án, ngành chức năng huyện phát huy trách nhiệm của người dân bằng việc chọn các hộ sản xuất có khả năng tham gia, có chuẩn bị nguồn vốn đối ứng. Từ diện tích thí điểm 1 ha, tới đây, Dự án sẽ tăng diện tích sản xuất RAT Vĩnh Sơn lên 5 ha, với 30 hộ dân tham gia.
Tại khu vực Hòa Cư, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn), mô hình trồng RAT được người dân nhân rộng. Theo bà Đinh Thị Lê Hiền, thành viên Ban chấp hành nhóm cùng sở thích sản xuất (NCST SX) RAT Nhơn Hưng, việc áp dụng quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tác động tích cực đến ý thức của người nông dân. Bắt đầu từ các thành viên trong nhóm, họ đưa những kỹ thuật canh tác VietGAP triển khai ngay trên các diện tích sản xuất rau của gia đình. “Rõ ràng, trồng RAT mang lại nhiều lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Minh chứng cụ thể là RAT của nông dân ở Nhơn Hưng được người tiêu dùng trong tỉnh biết đến và đón nhận”, bà Hiền nói.
Phù hợp với thị trường
Hiện, ở An Nhơn đã có NCST SX RAT khu vực Hòa Cư (Nhơn Hưng) sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ do DN Nhật Bản đầu tư ở xã Nhơn Hậu, mô hình trồng RAT của HTXNN Nhơn Thọ. Cuộc chuyển đổi trong canh tác xuất phát từ yêu cầu của đời sống, ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX An Nhơn lý giải: Các vùng trồng rau ở An Nhơn đang dần áp dụng các mô hình sản xuất RAT. Đây là hướng đi tất yếu. Cùng với sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng và một số hộ ban đầu, dần dần nhiều người khác đã tự nhận ra vấn đề và chủ động, tích cực đón luồng thay đổi này.
Ngày càng có thêm nhiều nông dân ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn tham gia trồng rau an toàn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Thay đổi rõ và nhanh nhất trong vấn đề RAT là huyện Hoài Nhơn. Năm 2017, anh Bùi Duy Khánh (thôn Ngọc An Đông, xã Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn) đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà lưới trồng rau theo hướng hữu cơ. Đến nay, vườn rau của anh Khánh cung ứng ra thị trường 100 kg/ngày; giá bán từ 20.000 - 60.000 đồng/kg. “Đến nay, nhiều người dân ở địa phương tìm đến vườn mua rau, nhiều nhà hàng, quán ăn đã ký hợp đồng dài hạn với chúng tôi để cung ứng nguồn rau xanh an toàn cho họ. Sắp tới, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau theo hướng hữu cơ”, anh Khánh cho hay.
Bà Trương Thị Phạn, ở khối 1, thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn), kể: “Tham gia NCST SX RAT, chúng tôi được hỗ trợ kỹ thuật trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, việc canh tác thuận lợi hơn, tăng giá trị sản phẩm. Riêng gia đình tôi trồng 1,8 sào rau quả các loại, bình quân mỗi ngày thu nhập hơn 300 ngàn đồng từ rau quả, cũng đủ lo cho gia đình”.
Theo ông Trần Đình Tổng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Hoài Nhơn, toàn huyện có 12 ha RAT, trong đó có 2 ha RAT trong nhà màng, nhà lưới và khoảng 10 ha RAT trồng trên đất vườn tập trung. Huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT trong việc hỗ trợ thành lập 2 NCST SX RAT ở Hoài Thanh Tây và Tam Quan, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn một số hộ nông dân lập dự án trồng rau trong nhà lưới, nhà màng tại các xã: Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Xuân, Hoài Thanh Tây; trồng rau thủy canh ở thị trấn Tam Quan, xã Hoài Phú... Sản phẩm làm ra bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
QUANG BẢO - ÐOAN NGỌC