Mừng, lo với giá mì nguyên liệu
Giá mì nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh đang ở mức từ 2.500 - 2.600 đồng/kg (mì 30% độ bột), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, từ đầu vụ có lúc giá mì tăng vọt lên mức từ 3.100 - 3.200 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân có lãi khá, bình quân hơn 30 triệu đồng/ha.
Giá mì tăng cao hẳn nông dân sẽ rất vui. Chia vui với nông dân nhưng các cơ quan quản lý cũng có nỗi lo. Đó là việc người dân sẽ ồ ạt mở rộng diện tích cây mì và rồi điệp khúc “cung vượt cầu” dẫn tới nhiều hệ lụy mà nhắc đến đây nhiều người sẽ nhớ đến hai từ “dưa hấu”.
Tỉnh hiện có đến 5 nhà máy chế biến tinh bột mì, với tổng công suất chế biến 270 ngàn tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, các nhà máy hầu như chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, cũng chưa nhà máy nào ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Bởi vậy việc tiêu thụ sản phẩm rất thất thường. Chưa nói, mì là cây trồng phá đất, nếu canh tác liên tục nguy cơ gây bạc màu, sa mạc hóa đất đai…
Giá mì thường xuyên biến động tăng giảm thất thường, có lúc tăng vọt lên đến 3.100 - 3.200 đồng/kg nhưng cũng có lúc rớt xuống chỉ còn 1.000 - 1.200 đồng/kg. Làm gì để phát triển bền vững là vấn đề nên sớm đặt ra ngay từ lúc này. Có lẽ, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương nên tuyên truyền để người dân hiểu đúng và có định hướng phát triển hợp lý về diện tích, chất lượng cây giống; đặc biệt tập trung quy hoạch những vùng có thể phát triển được cây mì; nghiêm cấm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất để trồng mì, đề phòng nguy cơ phá vỡ diện tích cơ cấu cây trồng. Còn các DN cũng cần có chính sách phát triển vùng nguyên liệu bài bản, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp, đưa các loại giống mới vào sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất…
Có như vậy, mới chấm dứt nỗi lo đan xen mỗi khi giá mì tăng cao hoặc giảm thấp.
GIA NGUYỄN