Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hào: Người nặng lòng với tuồng, bài chòi
Sinh ra và lớn lên ở xã Ân Hảo, nơi có truyền thống văn nghệ lâu đời, 17 tuổi bà Hai Hào bắt đầu tham gia đội văn nghệ thiếu nhi, hát những bài ca ngợi quê hương đất nước, Bác Hồ... Cũng chừng năm đó, ông bầu Ðinh Bính, người mà Hai Hào nhắc lại với cái tên thân thương là thầy Ba Ngọ phát hiện ra chất giọng đặc biệt nên đã truyền dạy nghệ thuật hát tuồng. Cô trò nhỏ theo gánh hát rong ruổi khắp nơi.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hào đang ngắm lại hình ảnh của mình thời còn lộng lẫy xiêm y trên sân khấu.
Hai Hào là tên gọi thân mật mà những người sáng còn cuốc đất, làm ruộng nhưng đến tối lại thành những ông hoàng, bà chúa trên sân khấu gọi bà Nguyễn Thị Hào (SN 1940, ở xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân). 17 tuổi bắt đầu tập tành hát tuồng, cứ thế trong vai đào bi, đào lẳng, đào võ, kép con, kép lớn, kép võ... Hai Hào theo nhiều đoàn tuồng diễn ở khắp nơi trong huyện rồi trong tỉnh, rồi sang các tỉnh lân cận. Năm 19 tuổi bà lập gia đình. Bà Hai Hào vừa cười vừa bảo: “Tui sợ ông chồng bảo thôi nghề nên độ ấy trước khi cưới, tôi biểu ổng phải hứa với tui, cưới rồi vẫn phải cho tôi đi hát thì tôi mới cưới. Ổng thương tui lắm, cưới xong, ổng lo lắng chở tui đi hát, dăm ba ngày sau tui hát xong ổng lại đến chở về”.
Vì mê hát tuồng và được nhiều khán giả mến mộ nên thời còn khỏe bà chưa bao giờ ngưng biểu diễn. Ngày đó, mới sinh xong, con chưa tròn tháng đã có người nhà đến mời đi hát. Bà nghĩ lại: “Vì khán giả mến mộ, các ông bầu hát cũng thương mình nên người ta giục tôi trở lại sân khấu. Vả lại rời sân khấu tui cũng nhớ lắm nên tôi trở lại sân khấu ngay. Biết chuyện, người dân nơi tui biểu diễn thăm hỏi, thông cảm rồi mỗi đêm diễn xong bà con đưa tui về nhà ngủ, lại còn bỏ lửa cho nằm. Cái nghề tuồng nó cũng cho mình nhiều cái nghĩa cái tình vậy đấy”.
Năm 1967 do chiến tranh bà Hào phải đi tản cư vào Phan Rang, thời gian đó tưởng chừng bà không còn đứng trên sân khấu nữa, ấy vậy mà tiếng lành đồn xa, có bà bầu gánh hát bài chòi ở Phan Rang biết tiếng nên tìm đến mời bà tham gia biểu diễn. Bà Hai Hào vui vẻ kể: “May thay, những buổi diễn đầu tui đều được giao những vai “ruột” vậy nên ai cũng trầm trồ tấm tắc khen. Diễn 3 đêm tui bảo bận bịu con cái lại không có trang phục diễn, bà bầu khăng khăng bảo “Con ơi, con phải giúp cô”!”. Vậy là vừa diễn vừa học thêm bài chòi cổ từ ông bầu Quý và vợ ông bầu Hiển ở Phan Rang, bà tham gia biểu diễn bài chòi tại đó. Và thành diễn viên bài chòi nổi tiếng ở đất Phan Rang. Năm 1975, quê hương được giải phóng, bà trở về quê lại tiếp tục biểu diễn cả tuồng và bài chòi.
Nói về nghề, bà Hào khoe bà còn giữ đầy đủ đồ trang điểm, phấn son, áo quần, giáp, ngựa... những kỷ niệm với cái nghề bà gắn bó gần như trọn cuộc đời. Cùng với vai đào văn, bà Hào thường vào vai đào võ như vai Đào Tam Xuân, Lưu Kim Đính... nên bà phải luyện tập điệu bộ rất nhiều. Bà bảo: “Học thầy không tày học bạn, sau khi học thầy, tui đi khắp nơi biểu diễn. Diễn ở đâu bạn diễn có miếng diễn hay, tui lại xin học. Tôi học được rất nhiều từ những người bạn hát nhất là những khi ông bầu bảo ghép hát với một kép lạ là tụi tui thảo luận học hỏi liền. Tuồng mang tính ước lệ, chú trọng điệu bộ nên phải học thường xuyên càng diễn nhuần nhuyễn càng phải học để có thể sáng tạo cách diễn mới lạ, hay hơn, có vậy công chúng mới nhớ đến mình. Tôi luôn tâm niệm, đó cũng là cách mình tạ ơn khán giả. Ngày trước dù hát bằng đèn măng xông, micro kéo, nhiều lúc ghép đôi với bạn diễn lạ, vai diễn mới nhưng tui cũng không vất vả mấy để luyện tập vì tuồng đã có từ trong ruột rồi”.
Đưa tôi đến thăm nhà bà Hai Hào có anh Nguyễn Thanh Ân - cán bộ văn hóa xã hội của Ân Hảo Tây và thầy giáo Trần Ngọc Tuấn công tác tại Trường THCS Ân Hảo Tây. Hóa ra cả hai đều là “phăng” hâm mộ bà Hào. Thầy giáo Trần Ngọc Tuấn say sưa kể lại ấn tượng về những vai diễn của bà Hào: “Con mê cô nhất ở những vai đào võ, múa võ sao mà hay, nhất là những khi cô diễn cùng nghệ sĩ Hoàng Lộc, thiệt là xúc động”.
Cùng với biểu diễn, từ năm 1975, sau khi về quê hương bà tham gia truyền dạy cho Đoàn tuồng Đồng Ấu, do ông Nguyễn Văn Trí (thôn Vạn Trung, Ân Hảo Tây) thành lập. Đến giờ, nhiều nghệ nhân của huyện vẫn tìm đến bà học hỏi, tham vấn. Với những cống hiến đó, cuối năm 2018, nghệ nhân Nguyễn Thị Hào là 1 trong 5 nghệ nhân của tỉnh Bình Định được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
THẢO KHUY