Ngành Y tế huyện Vĩnh Thạnh:
Quản lý hoạt động bằng camera
Gần 3 năm nay, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai hệ thống camera giám sát hoạt động của Trung tâm và trạm y tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của ngành.
“Phủ sóng” từ Trung tâm đến trạm
Cũng như nhiều cơ sở y tế khác, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh từng xuất hiện tình trạng mất trộm, khiến bệnh nhân và người nhà hoang mang. Năm 2010, từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Trung tâm quyết định đầu tư gần 40 triệu đồng để lắp đặt 4 camera cố định ở cổng, khoa Khám, khoa Dược và hành lang chung. Đây là hệ thống camera có dây, hoạt động cả ban đêm nhờ có đèn hồng ngoại. Trung tâm đã giao cho Công an huyện băng ghi hình 2 vụ rạch túi ở Trung tâm. Từ đó, tình trạng trộm cắp hầu như “vắng bóng” ở đây.
Hệ thống camera trợ giúp lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh trong công tác quản lý ngành.
- Trong ảnh: Máy chủ của hệ thống camera đặt tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh.
Tháng 7.2013, Trung tâm đầu tư tiếp 38 triệu đồng để lắp 6 camera không dây tại Trạm y tế thị trấn Vĩnh Thạnh và 5 xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thuận, Vĩnh Quang, Vĩnh Hảo. Mỗi trạm có 1 camera xoay 360 độ, có thể quan sát cổng ra vào, khu đón tiếp bệnh nhân. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh Hứa Tự Thảo, trong điều kiện các trạm nằm cách xa Trung tâm, các camera này là “trợ thủ” đắc lực để lãnh đạo Trung tâm quản lý giờ giấc làm việc, quy trình chuyên môn của cán bộ y tế. “Theo quy định, cứ 3 lần đi muộn thì bị trừ một ngày lương, một tháng vắng 7 lần không có lý do chính đáng thì xem xét kỷ luật. Băng ghi hình được lưu giữ đến 10 ngày, nên người vi phạm có nhu cầu “kiểm chứng”, chúng tôi đều sẵn sàng”, bác sĩ Thảo cho biết.
“Lắp đặt camera để quản lý giờ giấc làm việc của cán bộ, nhân viên y tế là cách làm hay. Tuy nhiên, cần phải lưu ý tránh để hình ảnh khám bệnh của bệnh nhân bị công khai tràn lan”.
Một lãnh đạo ngành Y tế
Hệ thống camera ở Trung tâm Y tế huyện giúp lãnh đạo giám sát phần lớn không gian Trung tâm. Cách đây chưa lâu, khi đang đi họp ở TP Quy Nhơn, bác sĩ Hứa Tự Thảo mở di động “online” nắm tình hình. “Camera ở cổng cho thấy một thanh niên đỡ người nhà xuống xe ở cổng, chạy vào gửi xe. Vừa xuống xe, bệnh nhân bỗng ngã quỵ. Tôi gọi ngay về phòng cấp cứu, anh em mang băng - ca ra khiêng bệnh nhân vào cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Thảo kể lại.
Trợ giúp đắc lực
Hiện nay, bình quân mỗi trạm y tế ở huyện Vĩnh Thạnh có khoảng 6 cán bộ, nhân viên. Trừ người nghỉ luân phiên, các trạm đều phải đảm bảo đủ “quân số” 5 người. Không hiếm trường hợp “trốn việc”, khi lãnh đạo hỏi thì bảo “đi cơ sở”. Từ khi lắp camera, thứ 6 hằng tuần, các trạm y tế phải gửi kế hoạch công tác của tuần sau, để lãnh đạo Trung tâm nắm ai đi học, ai đi họp, ai đi cơ sở và “điểm danh”. Nếu kế hoạch có thay đổi, đến cuối tuần sau phải báo cáo lại.
Vĩnh Thạnh là địa phương đầu tiên ở tỉnh ta triển khai hệ thống camera làm phương tiện trợ giúp quản lý hoạt động y tế. Theo kế hoạch, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh sẽ lắp đặt camera ở 3 trạm y tế còn lại vào cuối năm 2013. Đồng thời, khi cân đối được nguồn kinh phí, sẽ lắp thêm camera tại các khoa, phòng chuyên môn của Trung tâm.
Trước đây, qua kiểm tra đột xuất cho thấy nhân viên một số trạm chưa tuân thủ quy định giờ giấc làm việc, khoảng thời gian buổi trưa trực không nghiêm túc; có trạm, buổi chiều chỉ có 1 người trực. “Từ khi thực hiện “giám sát từ xa”, hoạt động ở trạm đi vào nền nếp, hiện tượng bỏ trực không còn, trạm luôn mở cửa 24/24 giờ. Có nhân viên y tế tiêm thuốc cho bệnh nhân mà không mặc áo blouse, không mang bao tay, khẩu trang. Phiên họp giao ban tuần, tôi nhắc nhở ngay. Có trường hợp sau ca trực, nhân viên y tế định dắt xe về sớm khi chưa đến giờ giao ca, thấy camera xoay từ trong phòng khám hướng ra cổng, liền lùi xe lại, vào khoác blouse làm việc tiếp, đến hết giờ mới về. Ở Trung tâm, số ít cán bộ hành chính ăn sáng, cà phê nhẩn nha rồi mới đến cơ quan làm việc cũng không còn”, bác sĩ Hứa Tự Thảo cho biết.
Tại Trạm Y tế xã Vĩnh Quang, camera được lắp từ cuối tháng 8.2013. “Mấy ngày đầu có camera, phần lớn anh chị em cứ thấy khó chịu, căng thẳng, cảm giác như bị ai đó giám sát, theo dõi. Giờ thì quen rồi. Trạm ở xa Trung tâm, mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân đến khám, công việc nhiều nên chúng tôi tập trung chuyên môn, ít để ý đến cái camera đó nữa”, điều dưỡng Lê Thị Hồng chia sẻ.
Theo Phó trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Quang Trần Thị Minh Hải, trước đây, ở trạm cũng có tình trạng “đi muộn về sớm”, người nào trực chính thì đi đúng giờ, những người khác cũng “la cà” đôi chút. “Giờ thì tất cả đều chấp hành nghiêm túc quy định về giờ giấc, kể cả những người ở xa trạm”, bác sĩ Hải khẳng định.
NGUYỄN VĂN TRANG