Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả ung thư da
Ung thư da thường xuất hiện ở vùng da hở, hay gặp ở người già, tỉ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Bệnh dễ chẩn đoán, điều trị đạt kết quả tốt nếu phát hiện sớm.
2 năm trước, vùng khóe mắt bên phải của bà C.T.L. (65 tuổi, ở huyện Hoài Nhơn) bị một vết loét nhỏ, sau đó lan rộng ra khóe mắt và hốc mắt. Khi đi khám, bà được chẩn đoán mắc ung thư da, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ khối u. 6 tháng sau, bệnh tái phát, xâm lấn vào hốc mắt, phải mổ khoét bỏ nhãn cầu, tạo hình và xạ trị hỗ trợ. Kết quả tái khám định kỳ mới đây cho thấy bệnh ổn định và không tái phát.
Ung thư da là loại ung thư xuất phát từ biểu mô da che phủ mặt ngoài cơ thể, bao gồm ung thư tế bào gai, ung thư tế bào đáy và ung thư xuất phát từ các tuyến phụ thuộc da (tuyến bã, tuyến mồ hôi). Ở nước ta, phổ biến là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai. Ung thư tế bào đáy hay gặp ở vùng mặt (chiếm khoảng 65% trong tổng số các ung thư da), phát triển chậm, thường không di căn và tiên lượng tốt. Còn ung thư da tế bào gai thường xuất hiện trên nền sẹo cũ, đa số ở vùng tay chân (chiếm khoảng 25%), bệnh tiến triển nhanh, di căn hạch, di căn xa và tiên lượng xấu.
Ngoài ảnh hưởng kéo dài tác dụng tia cực tím của ánh nắng mặt trời, bệnh còn được phát hiện từ các nguyên nhân như tia phóng xạ, các sản phẩm của nhựa than đá, thạch tín, hóa chất diệt cỏ… Những người không thường xuyên bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và làm việc ngoài trời cũng dễ mắc bệnh. Những người mắc bệnh khô da nhiễm sắc hoặc bạch biến có nguy cơ cao.
Có 4 triệu chứng để chẩn đoán sớm ung thư da: vết loét lâu liền thỉnh thoảng lại chảy máu hoặc có thể lành sau đó tái phát lại; thay đổi ở một vùng da bị sừng hóa có loét, nổi cục, dễ chảy máu; vết loét hay nổi cục trên bề mặt sẹo cũ, một đường dò cũ hoặc trên nền da đã xạ trị từ trước; một mảng đỏ mạn tính có loét. Khi có các triệu chứng trên nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.
Việc chăm sóc theo dõi sau điều trị ung thư da rất quan trọng. Bệnh nhân cần được khám định kỳ trong thời gian 5 năm sau điều trị nhằm phát hiện tái phát tại u, tái phát hạch vùng hoặc phát hiện di căn xa.
Cần phải bảo vệ da để loại bỏ nguyên nhân và hạn chế yếu tố nguy cơ gây ung thư bằng cách: mặc áo nhiều màu hoặc màu tối bằng chất liệu tự nhiên; sử dụng nón, mũ, màn che nắng khi làm việc ngoài trời, hạn chế làm việc ngoài trời nắng từ 10-14 giờ. Trường hợp có tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ phải đeo găng, đi ủng, quần áo bảo hộ, kính… Vệ sinh da sạch sẽ, tránh và điều trị kịp thời các triệu chứng viêm nhiễm trên da. Không nên cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào buổi trưa.
BS. NGUYỄN MINH TRÍ (BVĐK tỉnh)