Hãy biết 111 để bảo vệ những thiên thần nhỏ
Số vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục đang diễn ra với xu hướng phức tạp và Cục Trẻ em (Bộ LĐTB-XH) đã kêu gọi các doanh nghiệp (DN) in số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) lên bao bì, sản phẩm.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết cục cũng đề nghị in số điện thoại 111 lên sách giáo khoa, dụng cụ học tập; kêu gọi các nhà hàng, khách sạn, hãng du lịch, rạp chiếu phim, nhà hát, kênh truyền hình, báo chí… in, phát số 111 lên vị trí đẹp nhất, khung giờ tốt nhất để kêu gọi mọi người bảo vệ trẻ em, lên tiếng tố giác hành vi xâm hại trẻ.
Phiên tòa xét xử các bảo mẫu có hành vi bạo hành trẻ tại Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TPHCM)
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, cơ sở nào để Cục Trẻ em kêu gọi các DN, trường học, nhà hàng, khách sạn… in số 111 lên bao bì, sản phẩm, phương tiện của họ?
- Ông ĐẶNG HOA NAM: Tổng đài 111 có pháp lý vững chắc, được quy định trong Luật Trẻ em, được Chính phủ thiết lập, vận hành nhằm tiếp nhận tất cả thông tin từ cơ quan, tổ chức, người dân về nạn bạo lực, xâm hại, bóc lột, bỏ rơi, hành hạ… trẻ em. Đây là dịch vụ công rất đặc biệt.
Trong tài nguyên điện thoại 3 số bắt đầu từ số 1 của mỗi quốc gia (chỉ có 9 số) thì ngoài 113, 114 và 115 đã quen thuộc, Chính phủ đã ưu tiên, đầu tư không nhỏ, dành số 111 quý giá để bảo vệ trẻ em.
Toàn bộ cuộc gọi về 111 là miễn phí. 111 là số điện thoại rất quý dành cho trẻ em mà không phải quốc gia nào cũng có. Và việc quảng bá nó phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với trách nhiệm xã hội của DN, cơ quan, đơn vị.
Số 111 xuất hiện trên bao bì, sản phẩm là một cách để DN thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm tới trẻ em. Một DN thân thiện với trẻ em, một sản phẩm thân thiện với trẻ em, có nghĩa là thân thiện, an toàn với người lớn. Uy tín của DN, niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm chắc chắn cũng tăng.
* Nhưng cùng với việc kêu gọi, thì thưa ông, yếu tố để thực sự chinh phục được sự tin cậy của người dân, DN là kết quả của việc xử lý những tin báo, tố giác về xâm hại trẻ em. Tổng đài 111 sẽ làm thế nào?
- Tất cả mọi cuộc gọi đến 111 ngay lập tức được ghi nhận và nếu có dấu hiệu trẻ gặp nguy hiểm, một quy trình xử lý sẽ được kích hoạt.
Tổng đài 111 lập tức kết nối tới tận cấp xã/phường/thị trấn, tới các cơ quan liên quan để xác minh thông tin, xác định mức độ vụ việc và triển khai can thiệp, hỗ trợ trẻ.
Tất cả các cuộc gọi được ghi âm và là bằng chứng nếu các cơ quan công an, ngành LĐTB-XH, chính quyền địa phương trả lời không biết, hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Người dân muốn biết tin báo của mình đã được giải quyết đến đâu thì 111 cũng hồi đáp, tất nhiên ở mức độ nhất định, vì còn đảm bảo bảo vệ nạn nhân.
Tôi khẳng định, đây là một trong những dịch vụ công hoạt động tốt nhất hiện nay của Việt Nam. Riêng năm 2018, Tổng đài 111 đã tư vấn hơn 27.400 ca (tăng 1.562 ca so với năm 2017), hỗ trợ can thiệp cho 806 trẻ em (tăng 222 trường hợp).
Cùng với tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, thì tất cả phụ huynh, giáo viên, trẻ em, hay bất cứ ai muốn được tư vấn về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng có thể liên lạc 111. Nghĩa là, Tổng đài 111 vừa là hotline, vừa là helpline. Tổng đài hoạt động 24/24 giờ, kể cả đêm giao thừa, với mong muốn số 111 thật sự là một người bạn với trẻ em, với mọi gia đình.
* Vì sao có 18 cơ quan, ban ngành, tổ chức bảo vệ trẻ em nhưng nhiều khi trẻ em rơi vào hoàn cảnh bị xâm hại vẫn chưa được bảo vệ thỏa đáng?
- Tôi ghi nhận sự thắc mắc này của xã hội. Tôi khẳng định, bất kỳ hành vi nào làm hại trẻ, đều có thể quy trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan liên quan, từ ngành LĐTB-XH đến công an, kiểm sát, tòa án, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội.
Chúng ta đang sống trong một thế giới tiến bộ nhưng đầy bất trắc, phải mặc nhiên thừa nhận rằng, con trẻ của chúng ta có thể bị xâm hại ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, bởi bất kỳ ai. Chính trong những môi trường đúng ra phải an toàn nhất, nâng niu trẻ em nhất lại là nơi có nguy cơ xâm hại trẻ em lớn nhất, như gia đình, trường học.
Mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em; số vụ trẻ bị xâm hại tình dục chiếm tới 60% số vụ xâm hại, bạo lực trẻ. Đây là một thực trạng không vui, không ai mong muốn và cũng không chỉ ở Việt Nam. Con số 2.000 vụ mới chỉ phản ánh đúng phần nổi, phần nhô lên của tảng băng; còn phần chìm vẫn chưa được phản ánh, nhận diện đúng. Và các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang tìm cách để phần chìm của tảng băng nổi lên.
Việc lên tiếng, tố cáo của người dân góp phần cho điều đó: số vụ việc trẻ bị xâm hại chúng ta thấy qua báo chí, qua Tổng đài 111 rất nhức nhối, là phần chìm của tảng băng đang được nổi lên, giúp ta nhận diện, xử lý.
Nhận thức xã hội về các hành vi bạo lực, đặc biệt là xâm hại trẻ em, đang có tiến bộ. Người ta thấy trẻ bị bạo lực, bị xâm hại và đã coi đó là hành vi cần được tố cáo; người ta coi nạn nhân hoàn toàn không có lỗi; coi nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái, trẻ em trai hoàn toàn có thể có tương lai tốt đẹp và sự tố cáo không làm ảnh hưởng hình ảnh, phẩm hạnh, cuộc sống tiếp theo của nạn nhân.
Vấn đề bảo vệ trẻ em đang được nhận thức rõ hơn, và khi phát hiện, người dân sẽ tố cáo, nạn nhân sẽ lên tiếng. Đó là sự thay đổi rất to lớn. Và Tổng đài 111 sẵn sàng tiếp nhận mọi sự lên tiếng của tất cả mọi người, cùng chung tay bảo vệ trẻ em để tương lai không xa, trẻ em thực sự được an toàn hơn, hạnh phúc hơn.
Theo MẠNH HÒA (SGGP)