Phổ biến, giáo dục pháp luật bằng sân khấu hóa ở An Nhơn:
Gần gũi, thiết thực và hiệu quả
Với nội dung là những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, các tiểu phẩm tuyên truyền tại đêm chung kết Hội thi “Học sinh và sinh viên thị xã An Nhơn tìm hiểu pháp luật” năm 2013, vừa diễn ra tại Công viên Quang Trung, phường Bình Định, thị xã An Nhơn đã tác động mạnh đến nhận thức về pháp luật không chỉ cho đối tượng thanh thiếu niên, mà cả người dân khi đến xem.
Giải Nhất là kết quả xứng đáng cho những gì mà tiểu phẩm “Ngọc Hoàng vi hành” của Trường THPT An Nhơn 1 mang đến trong đêm diễn hôm ấy. Tiểu phẩm xoay quanh câu chuyện của một gia đình có người chồng, người cha luôn chê trách vợ không biết sinh con trai, rồi suốt ngày uống rượu không chịu làm ăn. Uống rượu chán, người cha lại đánh đập vợ, ép con gái nghỉ học. Nhân chuyến vi hành, Ngọc Hoàng bắt gặp chuyện trái khuấy nên đã răn đe và giải thích để người chồng thực sự hiểu vấn đề. Tiểu phẩm chỉ gói gọn trong 10 phút nhưng đã chuyển tải cho người xem nhiều thông điệp về pháp luật; từ luật bình đẳng giới, bạo lực gia đình và cả vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em đến với người xem một cách nhẹ nhàng, tinh tế.
Em Nguyễn Hữu Phi, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hòa Bình, chia sẻ: “Đây là cuộc thi thú vị và bổ ích, giúp em trang bị thêm kiến thức pháp luật để có cách hành xử đúng đắn hơn”. Vừa diễn xong tiểu phẩm “Quá mù ra mưa”, trong vai bạn học cùng trường, gặp và khuyên nhủ các bạn của mình đang gây gổ đánh nhau, em Tống Thị Nhâm, sinh viên Khoa Hành chính - Văn thư, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định, nói: “Em mong muốn các bạn có nhận thức đúng đắn về những hành động, việc làm của mình, nhất là phải biết yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tránh xa các tệ nạn xã hội, giữ gìn sức khỏe tốt để làm những việc có ích”.
So với các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác thì hình thức sân khấu hóa luôn thu hút được nhiều người quan tâm, nhờ đó hiệu quả mang lại cũng cao hơn. Ông Phạm Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, Trưởng Ban tổ chức Hội thi, so sánh: “Trước đây, chúng tôi đã tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức thi viết nên đối tượng tham gia dự thi độc lập. Hơn nữa, một người viết nhưng nhiều người có thể mượn để sao chép lại nên kiểu thi này thường chỉ mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Còn với hình thức sân khấu hóa, các quy định pháp luật khô cứng đã được “mềm hóa”, trở nên gần gũi và dễ nhớ. Bản thân người tham gia tiểu phẩm mà trực tiếp là các em học sinh, sinh viên không những thuộc luật, hiểu luật mà còn là những tuyên truyền viên tích cực chuyển tải pháp luật cho người dân một cách sinh động và hiệu quả”.
KIỀU ANH