Học đi đôi với hành
Với nhiều tín hiệu mới, tích cực, có thể khẳng định Cuộc thi Sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ 6 - năm học 2018 - 2019 thành công tốt đẹp.
Nhận định về Cuộc thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn bày tỏ hy vọng, qua cuộc thi, các nhà trường sẽ nhận ra hiệu quả của việc dạy học đi đôi với thực hành, từ đó sẽ động viên học sinh tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.
Lan tỏa và đi vào chiều sâu
Trong số 130 sản phẩm dự thi (diễn ra tại Trường THPT Quốc học Quy Nhơn vào 2 ngày 8 - 9.1 vừa qua), lần đầu tiên lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi vượt lên lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí, trở thành lĩnh vực có nhiều sản phẩm nhất với 29 sản phẩm. Giám khảo Nguyễn Xuân Trang nhận xét, 29 sản phẩm trên đi vào 3 nhóm chính là: kỹ năng sống, giáo dục tuyên truyền biển đảo và bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Đa số đề tài mang tính thời sự cao và đưa ra những giải pháp khá thuyết phục, phù hợp lứa tuổi học sinh.
Cô giáo Hồ Thị Hồng (giữa) hướng dẫn Tuyến và Nguyên triển khai đề tài của mình.
Năm nay, Ban Giám khảo đặc biệt ấn tượng với các đề tài của học sinh dân tộc thiểu số, học sinh đến từ vùng sâu, vùng xa. Hầu hết các đề tài đều có giá trị thực tiễn, tính nhân văn cao, giải pháp đưa ra chứng tỏ các em có quan sát, thống kê và phân tích dữ liệu tự tích hợp.
Thí sinh Đinh Xuân Dương, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Đinh Ruối (huyện An Lão) chia sẻ, từ lâu em đã có ý tưởng tạo ra một máy tuốt lúa giúp bà con trong làng tuốt lúa sạch hơn, giảm bớt công lao động nhưng vẫn đạt hiệu suất. Chỉ vào chiếc máy bên cạnh, Dương cười nói: “Với sự hỗ trợ của thầy cô giáo, em đã thực hiện được ước muốn của mình”.
Từ Cuộc thi, quan điểm “sáng tạo KHKT không giới hạn bất kỳ lứa tuổi nào” một lần nữa được khẳng định, bởi dù kiến thức chưa nhiều, chưa thể so sánh với các anh chị bậc THPT nhưng các thí sinh THCS vẫn tự tin “cạnh tranh” và nhiều em đã đạt giải thưởng cao.
Khơi niềm đam mê sáng tạo
Với kết quả nhận được từ Cuộc thi này, đây là lần thứ hai, Trường THCS Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) có sản phẩm đạt giải nhất cấp tỉnh và được chọn đi thi cấp quốc gia. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Bình, có được kết quả đáng phấn khởi ấy là nhờ bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, giáo viên của trường luôn chủ động tạo ra sự vui thích tiếp nhận và khám phá kiến thức ở các em thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, từ gợi ý của cô giáo Hồ Thị Hồng trong tiết học về bản sắc văn hóa dân tộc (môn Giáo dục công dân), em Đinh Thị Tuyến, học sinh lớp 12A4 đã nhen lên đề tài “Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh với việc bảo tồn một số lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm, Bana, H’rê” (đề tài đạt giải ba).
Em Tuyến hào hứng kể: Em thấy học sinh của trường hầu như không thể tham gia vào lễ hội truyền thống vì làng thường tổ chức vào các ngày chúng em còn đến lớp. Dù tại trường 2 năm 1 lần vẫn diễn ra lễ hội giao lưu văn hóa, nhưng tất bật cả tuần, lễ hội cũng chỉ diễn ra trong 1 đêm là xong. Em và bạn Đinh Văn Nguyên lớp 11A1 đã đưa ra ý tưởng thành lập CLB lễ hội truyền thống, sinh hoạt tại hội trường vào tối thứ Bảy giữa tháng. Ý tưởng được cô Hồng hoan nghênh và hướng dẫn thực hiện. Chúng em gặp và được các già làng ủng hộ tuyệt đối, giúp ghi lại hết các nghi lễ, bài cúng, bài hát, bài múa… CLB hoạt động từ tháng 10 năm nay, các bạn học sinh trong trường rất phấn khởi, tham gia nhiệt tình”.
Sau 6 năm diễn ra, điểm đáng mừng nhất là Cuộc thi đã tạo ra hiệu ứng tích cực, tạo động lực để các trường quan tâm đến việc khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tại buổi tổng kết, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn gởi gắm: “Các thầy cô hãy tích cực hơn nữa truyền lửa nhiệt huyết, đam mê khám phá kiến thức, hình thành những ý tưởng mới; đồng thời trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết, thái độ mạnh dạn, tự tin hình thành, nuôi dưỡng, đeo đuổi ý tưởng nghiên cứu khoa học của mình”.
NGỌC TÚ