Từ đâu mà có “chạp mả”?
Hằng năm, từ khoảng giữa tháng 11 âm lịch cho đến hết tháng Chạp, người miền Trung thường có truyền thống đi giẫy mả, quét dọn, sửa sang mồ mả tổ tiên, thắp nhang tưởng nhớ ông bà, sau đó bà con trong dòng họ trở về nhà quây quần bên mâm cỗ. Truyền thống này được gọi là “chạp mả”. Vậy, “chạp mả” có nguồn gốc từ đâu?
Như đã biết, trong tiếng Việt có hai từ “chạp”. Đó là chạp (1): tháng thứ 12, cũng là tháng cuối cùng của năm âm lịch (nên ta có tháng chạp) và chạp (2): lễ cúng tổ tiên [vào tháng chạp] (nên ta có ngày chạp, giỗ chạp). Hai từ này có chung nét nghĩa liên quan đến thời gian (tháng chạp). Do đó, nhiều người nhầm rằng, “chạp mả” bắt nguồn từ “tháng chạp” vì phần lớn ngày chạp mả của các dòng họ đều diễn ra trong tháng này.
Thật ra, xét về từ nguyên, cả “[tháng] chạp” (1) và “chạp [mả]” (2) đều có cùng một gốc từ tiếng Hán, do đọc lệch chữ lạp trong tiếng Hán mà thành. Bởi như đã dẫn ở bài viết “Tháng chạp” và “tết” đăng trên báo Bình Định ngày 10.2.2018, mối quan hệ giữa hai phụ âm /l/ và /c/ (viết ra bằng ch) là mối quan hệ lịch sử. Chúng có thể chuyển hóa cho nhau như đã thấy trong các trường hợp: lang chàng, lam [màu] chàm, lịch lạc chệch choạc…
Trong tiếng Hán, lạp (bộ nhục) có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa “lễ tế chạp”, tức lễ tế thần vào tháng cuối năm âm lịch. Vào đời nhà Chu, cuối năm có lễ tất niên, gọi là “đại lạp”. Vì thế, tháng cuối năm được gọi là “lạp nguyệt” (tháng có đại lạp). Ngoài ra, còn có giả thuyết cho rằng, “lạp nguyệt” là do tháng này, người ta làm nhiều thịt cá khô để dành ăn trong năm tới, bởi lạp nghĩa gốc là “thịt cá ướp, hun khô”.
Lạp về sau phái sinh nét nghĩa “lễ cúng tổ tiên, ngày giỗ”. Khi vào tiếng Việt, lạp bị đọc chệch thành “chạp” và trở thành từ đồng nghĩa với “giỗ”. Cho nên, trong tiếng Việt mới có tổ hợp “ngày chạp” tương đương “ngày giỗ” và thường gộp gọn khi nói là “giỗ chạp”. Tổ hợp “giỗ chạp” là một từ ghép có cấu tạo đẳng lập với phương thức kết hợp một yếu tố Hán Việt và một yếu tố Việt cùng/gần nghĩa, tương tự các trường hợp: binh lính, màu sắc, hiền lành, gian dối... Đây là một trong những cách Việt hóa tích cực lớp từ mượn gốc Hán của người Việt.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ