Nếu giáo viên cũng “cắt - cóp - xào xáo”
Theo một số giáo viên giảng dạy lâu năm, việc giáo viên tự làm đề kiểm tra, đề thi sẽ buộc bản thân phải nghiên cứu, đọc nhiều tài liệu, nắm vững kỹ thuật làm đề, hiểu rõ những mức độ khó - dễ của nội dung câu hỏi. Mất nhiều thời gian, công sức vậy thì bù lại, giáo viên cũng học hỏi được rất nhiều điều để chuyên môn vững vàng hơn.
Hàng năm, Sở GD&ĐT đều tổ chức hội thảo, hướng dẫn cách ôn từng môn học, đặc biệt là để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Sở luôn yêu cầu giáo viên chia thành từng nhóm, cùng nhau biên soạn đề thi, trao đổi, chia sẻ với đồng nghiệp. Nhiều giáo viên cho rằng việc tập huấn nên theo hướng cập nhật quy định mới từ Bộ GD&ĐT; trao đổi những cách làm đề hay, những tài liệu đáng tham khảo và ở tất cả các môn. Riêng với các môn thi THPT quốc gia, Sở nên dành nhiều thời gian hơn để tự mỗi giáo viên tham dự Hội thảo tập huấn ôn tập thi phải làm được một đề thi cho mình, có vậy thì khi trở về đơn vị, họ mới vững vàng mà truyền đạt lại cho đồng nghiệp.
Một cô giáo dạy tiếng Anh cho biết, chị vừa tham gia lớp tập huấn làm đề kiểm tra, đề thi tại TP Hồ Chí Minh do Bộ GD&ĐT tổ chức và giờ đã biết thêm cách làm đề kiểm tra, đề thi sao cho phù hợp với trình độ học sinh. Tự làm đề kiểm tra sẽ giúp giáo viên đánh giá chính xác năng lực của học sinh mình - không quá khó để các em nản chí, cũng không quá dễ khiến các em chủ quan. Vậy nên, giáo viên tự biên soạn đề kiểm tra, đề thi cho lớp, cho trường là điều cần thiết.
Từng là người hay “cắt - cóp - xào xáo” các đề thi rồi ráp, nối, một thầy giáo đã thừa nhận, giáo viên lười làm đề, chuyên “cắt - dán” thì hệ quả là học sinh sẽ tìm sách học tủ, và cũng không quá khó để biết thầy, cô của mình lấy “nguyên liệu” từ đâu. Sẽ rất đáng buồn nếu để học sinh xì xào rằng đề này, đề kia là “cắt - dán” từ chỗ đó, chỗ nọ. Nhiều lần như vậy sẽ khiến niềm tin, lòng kính trọng của học sinh đối với thầy cô bị giảm sút.
KHÁNH HUÂN