Xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?
Nhiều chủ DN khẳng định không phải họ không ý thức được tầm quan trọng của việc xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ, song chính những thủ tục nhiêu khê, cơ chế hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa thực sự đầy đủ… khiến họ e ngại.
Công ty CP Nước khoáng Quy Nhơn đã đăng ký bảo hộ SHTT 13 sản phẩm nghiên cứu.
Sau 2 năm nghiên cứu, đến đầu tháng 1.2019, Công ty CP Nước khoáng Quy Nhơn hoàn thiện sản phẩm nước uống giải khát linh chi. Cùng với kế hoạch đưa ra sản xuất, DN cũng tính đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho sản phẩm. Phó Giám đốc Phan Anh Triết cho biết: Đây là sản phẩm thứ 13 được DN đăng ký xác lập bảo hộ SHTT, tuy mới ra thị trường nhưng đã thu hút khách hàng; sớm muộn cũng bị đối thủ cạnh tranh bằng sản phẩm na ná. Chúng tôi từng bị “copy” nhãn hiệu sản phẩm nước chanh muối Recover, nước khoáng Life… nếu không có bảo hộ coi như mất!
Doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình
Ông Nguyễn Thanh Duy, Giám đốc Công ty CP Thiên Phúc (sản xuất bao bì thủy tinh y tế) cho rằng, DN chưa có “điểm gặp nhau” với cơ quan thực thi bảo hộ SHTT. Bỏ công sức rất nhiều để làm SHTT, nhưng khi có tranh chấp SHTT, cơ quan quản lý Nhà nước cũng không xử lý hết. DN nhỏ và siêu nhỏ mang tâm lý tự bảo vệ bằng nâng cấp, cải tiến sản phẩm, còn chờ kiện tụng thì… “được vạ má đã sưng”!
Với DN chuyên về hoạt động xuất khẩu, việc xác lập SHTT được ông Đỗ Xuân Lập, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, khẳng định là vấn đề sống còn, bởi chính SHTT nói lên giá trị, năng lực cạnh tranh của DN. Tiến Đạt đứng được như hôm nay chính nhờ những sản phẩm độc đáo được xác lập SHTT, đến nay vẫn khẳng định sức hút với đối tác nước ngoài.
Theo thống kê của Sở KH&CN, từ năm 2016 đến 2018, các tổ chức, DN trong tỉnh có 369 đơn đăng ký xác lập quyền SHTT tại Cục SHTT (Bộ KH&CN), gồm: 5 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích; 12 đơn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp; còn lại là bảo hộ nhãn hiệu. Có thể thấy, đối tượng bảo hộ SHTT “nặng ký” như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp có tỉ lệ rất thấp. Lý giải tình trạng này, nhiều DN cho rằng để có quyền SHTT, các DN phải trải qua quy trình, thủ tục rất rườm rà.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà cho rằng, nhận thức chưa tới của DN về bảo hộ SHTT cũng là nguyên nhân khiến các đơn vị chưa thật mặn mà đăng ký SHTT. Tuy nhiên theo chủ một số DN, vấn đề không hẳn vậy. Theo quy định của Luật SHTT, thời gian thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu là hơn 1 năm, nhưng trên thực tế, thường kéo dài 16 đến 18 tháng. Thậm chí có khi kéo dài tới… 4 - 5 năm, khiến DN nản lòng.
Câu chuyện của ông Mai Vĩnh Thạnh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Thương mại Vũ Thạnh là một ví dụ. Với việc chế tạo thành công hệ thống máy cắt tách hạt điều tự động đầu tiên ở Việt Nam, 6 năm trước DN này được cấp bảo hộ giải pháp hữu ích. Nhớ lại chuyện này, ông Thạnh bảo: Mất 4 năm ròng rã, nhưng khi được cấp SHTT chiếc máy đã qua… chục lần cải tiến. Thế nên, dù vẫn nghiên cứu, nhưng để đăng ký bảo hộ SHTT, ông Thạnh rất e dè.
Gần đây, công tác tuyên truyền về SHTT được Sở KH&CN duy trì thường xuyên và đổi mới về cách thức. Hàng năm, Sở tổ chức ít nhất 3 lớp tập huấn các nội dung về SHTT cho các tổ chức, DN; công khai rộng rãi thủ tục, hồ sơ về đăng ký bảo hộ quyền SHTT; phát tờ rơi cung cấp các kiến thức cơ bản nhất về SHTT. Từ năm 2018, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh đến năm 2020 với các nội dung: phổ cập, nâng cao kiến thức, năng lực về tài sản trí tuệ cho tổ chức, DN, đơn vị nghiên cứu; hỗ trợ quản lý phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ khai thác thông tin SHTT.
“Đặc biệt, thông qua các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật đã có nhiều giải pháp hay, có giá trị được phát hiện. Sở sẽ tích cực hỗ trợ về tra cứu, hướng dẫn các tác giả hoàn thiện công trình, nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích”, ông Nguyễn Hữu Hà cho hay.
Về phía DN, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, bảo hộ SHTT là vì lợi ích nên DN cần chủ động, nhưng Nhà nước nên đồng hành sát sao hơn nữa, hỗ trợ thật cụ thể, không nên để DN “tự bơi”. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục, quy trình, tăng hiệu lực sau bảo hộ SHTT…
MAI HOÀNG