Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five nằm trong giới hạn
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five vẫn nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo...
Chiều 16.1, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng với sự tham gia của 700 điểm cầu trong cả nước.
Hội nghị diễn ra sau khi loại vaccine mới ComBe Five được đưa vào tiêm chủng cho trẻ đã ghi nhận nhiều trẻ bị phản ứng, trong đó có 3 trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tiêm chủng là trực tiếp gây ra miễn dịch chủ động khi đưa vào cơ thể con người một lượng kháng nguyên. Khi kháng nguyên gặp kháng thể, cơ thể bao giờ cũng có một phản ứng, trong đó biểu hiện nhẹ nhất là sốt.
Về các trường hợp phản ứng sau tiêm vaccine thời gian qua, Bộ trưởng Y tế cho biết, một ngày có khoảng 20-30 trẻ tử vong do mọi nguyên nhân như: viêm phổi, nghẹt thở, suy hô hấp… nên không loại trừ có thể ngẫu nhiên trùng hợp trẻ vừa tiêm chủng xong nên nghĩ trẻ tử vong do tiêm vaccine.
“Tiêm bất cứ vaccine, thuốc gì vào cơ thể đều có khả năng xảy ra phản ứng, phản vệ. Tuy nhiên, nếu không tiêm chắc chắn trẻ sẽ mắc bệnh, lúc đó, nguy cơ tử vong còn cao hơn, tốn kém về kinh tế, chưa kể trẻ sẽ sống ốm yếu, sức khỏe bị ảnh hưởng”. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Trong khi đó, GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five vẫn nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo. Tính đến đầu tháng 1.2019 đã có hơn 130.000 trẻ được tiêm ComBe Five. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ trẻ phản ứng sau tiêm ComBe Five là 1,73%.
PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sau tiêm chủng vaccine khi: sốt cao trên 39°C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng; quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê; co giật; nôn trớ, bú kém, bỏ bú; phát ban; thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi…
Theo MINH KHANG (SGGP)