Chính sách cho nhà giáo phải thỏa đáng hơn
Chiều 16.1, tại Hà Nội, Chương trình Khoa học giáo dục cấp quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tọa đàm khoa học “Nhà giáo và chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo trong Luật Giáo dục sửa đổi”.
GS Đinh Quang Báo phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: thanhuytphcm
Quan điểm của hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học tại tọa đàm là hiện nay chính sách đã không theo kịp yêu cầu đặt ra đối với vai trò nhà giáo.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng, về nguyên tắc, các nhà hoạch định chính sách phải bảo đảm chính sách và nguồn lực đầu tư cho nhà giáo phải tương xứng và tỷ lệ thuận với những yêu cầu đặt ra cho họ, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông, các thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo gánh nặng, đè lên vai các nhà giáo lớn hơn trước. GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khẳng định, chất lượng giáo viên ảnh hưởng tới thành tích học tập của học sinh nhiều hơn mọi yếu tố khác. Nhiều nước có nền giáo dục phát triển đã đào tạo giáo viên cân bằng giữa cung và cầu. Ngay sau khi được tuyển chọn, bộ giáo dục sẽ đảm bảo giáo viên chắc chắn có việc làm; một số nước trong khi học ở giai đoạn cuối, sinh viên đã được hợp đồng làm công chức nhà nước. Cách này vừa không tạo áp lực thừa thiếu giáo viên, kích thích thu hút được tinh hoa vào ngành sư phạm, vừa làm cho dạy học là một nghề cao quý do tính cạnh tranh cao để vinh dự được làm giáo viên. Nhiều chuyên gia đề xuất, cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác nhà giáo trong một văn bản luật như Luật Nhà giáo. Cùng với yếu tố vật chất là tạo môi trường làm việc sao cho giáo viên vừa có động lực tự do sáng tạo, vừa được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp.
Theo LÂM NGUYÊN (SGGP)