Cựu Ngoại trưởng Mỹ: Ô nhiễm ở Hà Nội cao hơn Bắc Kinh, New Delhi
Mức độ ô nhiễm ở Hà Nội còn cao hơn cả Bắc Kinh và New Delhi. Đó là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ các loại bệnh về hô hấp, gây tử vong cao.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 bàn về chủ đề Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững diễn ra sáng 17.1 tại Hà Nội, ông John Kerry, Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie cảnh báo, tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay tăng rất nhiều lần. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm ở Hà Nội còn cao hơn cả Bắc Kinh (Trung Quốc) và New Delhi (Ấn Độ), chủ yếu từ xăng dầu.
“Đó là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ về các loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp; gây tỷ lệ tử vong rất cao ở Việt Nam”, ông John Kerry lo ngại.
Ông John Kerry, Cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie
Theo ông John Kerry, biến đổi khí hậu (BĐKH) có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Hiện nay, thách thức của mỗi quốc gia khác nhau nhưng nhu cầu đều giống nhau, đó là năng lượng. Do đó, lựa chọn về năng lượng phải chú ý đến biến đổi khí hậu.
“Nhu cầu về than của Đông Nam Á hiện nay vẫn tăng và tăng cao nhất Đông Nam Á với mức tăng 5% so với thế giới. Châu Á Thái Bình Dương tiêu thụ than nhiều nhất trên thế giới, chúng ta đang đối diện với hệ quả của nhiệt điện than là tác động phát thải hiệu ứng nhà kính, kể cả áp dụng công nghệ mới thì nó là công nghệ bẩn nhất, phát thải lớn nhất", ông John Kerry nói.
Ông Kerry cho rằng, cuối thế kỷ này các vấn đề tiêu cực sẽ diễn ra, chứ không còn là mơ hồ nữa. Sự ấm lên của nước biển, hệ sinh thái thay đổi, các tầng san hô sẽ chết nhanh hơn và sự sụt giảm 50% các loài cá. Yếu tố phát thải lớn nhất đối với CO2 là than và chúng tác động làm gia tăng hiện tượng nước biển dâng cao.
Dẫn chứng về sự hiện hữu và diễn ra nhanh hơn của BĐKH, ông Kerry cho biết, trên thế giới đã có những người tị nạn do biến đổi khí hậu. Do đó, ông Kerry khuyến cáo Việt Nam không nên đầu tư vào than, thay vào đó, chuyển sang sử dụng năng lượng sạch ngay từ hôm nay.
“Bất kỳ ai nói than rẻ hơn thì họ không tính giá thành hoặc chi phí ngoại biên hoặc các nguồn năng lượng hóa thạch gây ra như bệnh ung thư, phổi. Nếu tính các lợi thế này, nhiệt điện than sẽ không rẻ hơn các năng lượng mới, năng lượng sạch. Việt Nam có lợi thế rất lớn về về năng lượng sạch như thủy điện, mặt trời, sức gió...", ông John Kerry cho hay.
Trên góc độ đầu tư, ông John Kerry cho biết, hiện các nhà đầu tư đến từ các quốc gia phát triển đều rất quan tâm đến từ BĐKH, do vậy, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn để thu hút dòng vốn chất lượng cao nếu Việt Nam cũng chủ động ứng phó với BĐKH, không những vậy, điều này còn giúp khẳng định uy tín của Việt Nam với cộng động quốc tế.
“ Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc năng lượng vào than và tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện mặt trời. Đó là giải pháp để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững. Chính phủ Việt Nam nên hỗ trợ khả năng cạnh tranh lĩnh vực tư nhân. Chính phủ tạo điều kiện đầu tư dài hạn, nắm bắt cơ hội và thúc đẩy kinh tế, mang lại hy vọng tương lai cho người trẻ thì phải thu hút thêm nhiều vốn FDI”, cựu Ngoại trưởng Mỹ khuyến cáo.
Còn theo ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam là một trong các nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam thiếu một khuôn khổ pháp lý phù hợp, trong khi với giá năng lượng thấp hơn đã làm giảm thiểu các nỗ lực nhằm giảm cường độ sử dụng năng lượng trong tiêu thụ và sản xuất.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam
Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh chiến lược chuyển dịch năng lượng. Chiến lược này cần đi bằng 3 chân, phối kết hợp giữa cơ cấu năng lượng, hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo, kết hợp giữa chính sách đầu tư công và chính sách tài khoá.
“Cần chuyển dịch hỗ trợ năng lượng nâu sang hỗ trợ năng lượng xanh. Cần chuyển dịch gánh nặng tài khoá cho năng lượng xanh sang năng lượng nâu. Thuế sinh thái cần được mở rộng từ nhiên liệu sang than. Người dân và ngành công nghiệp cần được khuyến khích sản xuất điện mặt trời nên mái nhà của họ. Cần có các quy định bắt buộc và khuyến khích tài chính nhằm tăng hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng. Nếu làm được việc này, chiến dịch chuyển dịch năng lượng có thể là một “đổi mới” mới của Việt Nam”, ông Bruno Angelet khuyến nghị./.
Theo Cẩm Tú (VOV.VN)