Vở diễn “Quan khiêng võng”: Khắc họa một nhân cách lỗi lạc
Tối 12.1, Nhà hát tuồng Ðào Tấn diễn báo cáo thành công vở diễn mới - Quan khiêng võng. Ðây là vở tuồng nói về nhân vật Lê Ðại Cang (1771 - 1847) là vị quan chính trực, một nhân cách lỗi lạc quê ở Phước Hiệp, Tuy Phước. Qua đó, giới thiệu và khơi dậy niềm tự hào của người Bình Ðịnh với bậc danh sĩ quê hương.
Vở diễn “Quan khiêng võng” góp phần đưa Lê Đại Cang, bậc quốc sĩ ở Bình Định đến gần với người dân.
Dù có nhiều đóng góp, nhân cách mẫu mực, thanh cao nhưng Lê Đại Cang gần như bị lãng quên. Gần đây, tầm vóc, công lao của Lê Đại Cang đã được nhìn nhận nhưng cũng chỉ mới ở mức có một số hội thảo về ông. Cụ thể, năm 2013 hội thảo về Lê Đại Cang được tổ chức lần thứ 1 tại TP Quy Nhơn, lần thứ 2 tại TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) vào năm 2016 và lần thứ 3 vào năm 2017 tại Hà Nội. Lần này, Lê Đại Cang đến gần hơn với hậu thế, đặc biệt là với người Bình Định qua vở tuồng “Quan khiêng võng”.
Khắc họa danh sĩ Bình Định
Theo ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, bên cạnh nhiều vở diễn đã có, khắc họa các nhân vật lịch sử như Quang Trung - Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng..., hằng năm, Nhà hát vẫn ưu tiên dựng vở diễn về những danh nhân, anh hùng, con người Bình Định để giới thiệu đến công chúng và nay là Lê Đại Cang. So với nhiều nhân vật khác, vì nhiều lý do, Lê Đại Cang ít được người đời sau biết đến dù ông tài giỏi, chính trực và có nhiều đóng góp cho xã hội, triều đình thời bấy giờ.
Vở tuồng “Quan khiêng võng” viết về nhân vật Lê Đại Cang từ lúc còn làm quan ở Thăng Long cho đến khi kết thúc cuộc đời ở quê nhà Bình Định. Dù cuộc sống trải qua bao thăng trầm, dù là quan đại thần hay xuống làm lính trơn vẫn làm tròn chức trách, giữ tròn nhân cách của mình. Ở đoạn 6 của vở diễn, lúc Nguyễn Thiện dùng mưu hèn, kế bẩn khiến Lê Đại Cang bị giáng xuống làm lính khiêng võng, người xem không khỏi vừa xúc động vừa cảm phục thái độ điềm tĩnh, nhẫn nhịn của Lê Đại Cang. Từng lớp tuồng cứ dồn dập với nhiều tình huống gay cấn, bức bối nhưng người xem vẫn thấy như được chính nhân vật Lê Đại Cang an ủi: “Ừ khiêng võng thì ta khiêng võng. Đại quan là ta, lính khiêng võng cũng là ta. Người quân tử cũng là người nhưng có khác. Từ đại thần xuống khiêng võng như không. Mỉm cười thế sự... lòng không oái hờn!”. Rõ ràng Lê Đại Cang là một nhân cách lỗi lạc, sự vững vàng của kẻ sĩ đất Võ.
Giàu hình ảnh nghệ thuật
Theo dõi vở tuồng, khán giả dễ dàng cảm nhận 2 tuyến nhân vật thiện - ác phân cách rõ nét. Theo đó, có thể thấy, ở những nhân vật đại diện tuyến nhân vật thiện gồm: Lê Đại Cang, tùy tướng Lê Phương, quận chúa Ngọc Phiên... tuyến nhân vật bên kia gồm: Nguyễn Thiện - quan đô thống triều Nguyễn và bè lũ. Hai tuyến rõ ràng nhưng những tình huống giàu kịch tính liên tục neo người xem lại với vở diễn, so sánh đối chiếu nhau, nét rung động của cảm xúc đan xen nhau. Cùng với đó, điểm nhấn xuyên suốt vở diễn là hình tượng chiếc đòn khiêng võng. Theo tác giả chuyển thể Đoàn Thanh Tâm, chủ đề chính vẫn là quan khiêng võng, nên các thiết kế mỹ thuật trên sân khấu lấy đòn khiêng võng là chính trong từng lớp kịch cách trang trí có sự khác nhau nhưng vẫn là hình ảnh chiếc đòn khiêng võng. “Khiêng võng ở đây khiêng là gánh trách nhiệm giang sơn trên vai. Đồng thời, gam nền vở diễn có màu đen hòa quyện với hiệu ứng hình ảnh những mắc lưới của võng thể hiện sự đen tối của xã hội triều Nguyễn, xã hội nhiều mập mờ đen trắng, không minh bạch, và đó cũng là những mắc lưới của cuộc đời” - tác giả chuyển thể Đoàn Thanh Tâm chia sẻ.
THẢO KHUY