Tâm sự của thổ cẩm Bana
Nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hóa độc đáo có từ lâu đời của người Bana ở làng M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn. Những người già trong làng kể, phong tục của làng là “đàn bà trồng bông, dệt vải; đàn ông làm sum, làm nhà”, nếu không biết những việc ấy thì bị gọi là “ktoon” - nghĩa là “không biết gì”.
Hiện tại đồng bào Bana thường chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày tết, lễ hội.
Trước kia, đồng bào Bana trồng bông, bông sau khi thu hoạch thì đem về nhà phơi nắng trên các mái sàn và cho xe cán để tách hạt bông ra, sản phẩm bông sẽ đưa vào khung kéo để làm xơ sợi bông, cuối cùng những bó sợi này được đi qua shire kéo để tạo thành sợi vải có màu trắng, sợi vải được căng ra và có dùng sáp ong để làm trơn chúng. Việc tạo màu cho sợi vải hoàn toàn dựa vào các loại cây trên rừng, muốn sợi vải có màu đen thì dùng cây chàm nhuộm, muốn có chỉ màu vàng thì nhuộm bằng củ Ktrơn, muốn có màu đỏ thì dùng vỏ cây dủ dẻ, cây Kxan… Thổ cẩm ở người Bana làng M6 thường là chăn, thảm vải, trang phục… Các loại hoa văn, họa tiết trên trang phục, đồ đan (áo, váy, chăn, đồ đan) rất sống động, màu sắc rực rỡ chạy trên nền đen chủ đạo, gây ấn tượng mạnh mẽ
Chị Đinh Thướt: “Để dệt xong một cái váy hoặc áo, mình phải mất từ 15 đến 30 ngày hoặc có thể lâu hơn, tùy độ phức tạp của hoa văn. Bắt hoa văn là công đoạn khó nhất, người dệt phải kéo sợi nhiều màu, phải luồn cây cho kín, đòi hỏi người làm phải thật tập trung cao, tỉ mỉ và khéo léo mới có thể tạo ra sản phẩm ưng ý. Hoa văn đơn giản cũng mất 1 tuần. Thế nên vào ngày hội làng, cô gái Bana nào có bộ váy áo đẹp, được dệt công phu, tự điều đó đã nói lên khả năng lao động, sức sáng tạo, tính cần cù.
Tuy nhiên, ông Hồ Sỹ Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cho biết: Đồng bào Bana giờ không còn trồng bông, se sợi nhuộm màu như trước nữa mà chỉ việc mua từ dưới xuôi lên, nhưng việc dệt vải không còn thường xuyên, sản phẩm làm ra chủ yếu đáp ứng nhu cầu gia đình. Do nhiều thứ đã có sẵn, nghề dệt thổ cẩm đã giảm đi nhiều công đoạn. Đã vậy, số người biết dệt ngày càng hiếm.
Cũng chung niềm lo với ông Lai là ông Đinh Văn Cao, Bí thư chi bộ thôn M6, cho biết: Sản phẩm thổ cẩm đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, giá thành cao, làm ra gần như không tiêu thụ được, lại ít phù hợp với đời sống hiện tại. Trừ các lễ hội, lớp thanh niên ở làng giờ ít có dịp mặc trang phục truyền thống…
Người Bana ở làng M6 vẫn rất tha thiết thổ cẩm nói riêng và các di sản văn hóa Bana nói chung. Người già ở làng mong chính quyền huyện Tây Sơn, ngành Văn hóa tỉnh và các ngành hữu quan hỗ trợ nhiều hơn để giữ gìn di sản của ông bà để lại.
ĐINH THI MINH NGOC