Xuất khẩu lao động năm 2019: Hứa hẹn nhiều niềm vui mới
Một năm phấn khởi với xuất khẩu lao động trong tỉnh vượt chỉ tiêu đề ra và bên cạnh Hoài Ân, địa phương luôn dẫn đầu phong trào là sự bật lên của các địa phương mới như: Hoài Nhơn, Phù Mỹ... Và vui hơn khi ngay từ đầu năm 2019, phong trào xuất khẩu lao động đã có nhiều tín hiệu tích cực.
2018 được xem là một năm thành công đối với xuất khẩu lao động Bình Định khi có đến 605 lao động xuất cảnh đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài. Đáng nói, 470/605 lao động tham gia làm việc tại Nhật Bản, vốn là thị trường nghiêm ngặt, đòi hỏi cao, nhưng lại giúp người lao động có việc làm ổn định, thu nhập cao, học tập được kỷ luật, kỹ năng sản xuất, kinh doanh tiên tiến.
Người lao động ứng tuyển đơn hàng thi công điện nước tại phiên phỏng vấn đầu tiên của năm 2019.
Một năm phấn khởi
Quyết định số 30/2017/QÐ-UBND về chính sách hỗ trợ cho người lao động trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở tại nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017 - 2020 tiếp tục mang đến niềm vui, hy vọng cho người có nguyện vọng xuất khẩu lao động thuộc hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ, các đối tượng khác... Cùng với chính sách của Trung ương, việc mở rộng đối tượng, chính sách vay vốn, chính sách hỗ trợ của Quyết định số 30 đã mở ra nhiều cơ hội cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, chi phí làm thủ tục cho 52 lao động thuộc diện đối tượng chính sách của Trung ương với tổng số tiền hơn 481 triệu đồng; 100 đối tượng thuộc diện chính sách của tỉnh với tổng số tiền 340 triệu đồng. Ngân hàng CSXH tỉnh đã hỗ trợ 342 người lao động vay vốn xuất khẩu lao động với tổng số tiền 26,83 tỉ đồng; riêng vay vốn theo Quyết định 30 là 332 người với số tiền 23,6 tỉ đồng.
Các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tạo nguồn, cung ứng lao động cho các DN có chức năng đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Đơn cử như Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2018 đã thu hút 783 lao động đăng ký xuất khẩu lao động; giới thiệu cho các DN 434 người. Kết quả, đã có 276 lao động vượt qua vòng phỏng vấn; 167 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bà Chế Thị Lan (48 tuổi, ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) có con tham gia xuất khẩu lao động chia sẻ: “Con tôi được chủ DN khó tính tuyển dụng, tôi thấy rất vui. Từ Nhật Bản, cháu cũng thường xuyên liên lạc về, kể về cuộc sống sinh hoạt bên đó. Cháu bảo môi trường làm việc quy củ và nghiêm khắc nhưng cháu thấy vui vì học được nhiều điều hay. Tôi mừng vì cháu đã trưởng thành hơn”.
Khởi sắc phiên đầu năm
Chiều 14.1, phiên phỏng vấn trực tiếp đầu tiên trong năm 2019 giữa chủ sử dụng lao động Nhật Bản và người lao động đã diễn ra tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh - đơn vị phối hợp Công ty CP Xuất khẩu lao động và Thương mại dịch vụ Biển Đông tổ chức đưa DN Nhật Bản về tuyển dụng trực tiếp tại Bình Định - cho biết: “Chúng tôi làm như thế để giảm chi phí đi lại, ăn ở cho người lao động khi không phải vào tận TP Hồ Chí Minh để phỏng vấn. Cũng qua những phiên phỏng vấn ngay tại tỉnh, niềm tin của người lao động với Trung tâm tăng lên, hỗ trợ cho công tác tạo nguồn, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động của tỉnh”.
Đơn hàng tuyển dụng lần này thuộc lĩnh vực thi công điện nước tại các công trình trên địa bàn TP Osaka. Với mức lương cơ bản là 160 ngàn yên/tháng (tương đương 32 triệu đồng/tháng), nhiều lao động kỳ vọng được trúng tuyển để đạt mục tiêu thay đổi kinh tế gia đình, tích lũy vốn để lập nghiệp sau khi hết thời gian làm việc.
Bày tỏ sự hài lòng trước sự hỗ trợ của Bình Định về số lượng lao động, công tác chuẩn bị cho đợt phỏng vấn lần này, ông Hasegawa Hiroshi, Tổng giám đốc Công ty Kousen, cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên về tinh thần phấn đấu cho tương lai, vì những điều tốt đẹp hơn cho gia đình của lao động Việt Nam, lao động Bình Định. Tinh thần đáng quý này sẽ trở thành động lực để lao động Bình Định làm việc, học tập chăm chỉ ở nước ngoài. Đợt này, chúng tôi chọn ra 12 lao động trong số 27 lao động ứng tuyển; trong đó, có 2 lao động dự bị, sẽ thay thế các lao động được tuyển chính thức nếu họ không nghiêm túc học tập, đáp ứng các yêu cầu”.
Ông Kiều Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu lao động và Thương mại dịch vụ Biển Đông, nhắn gửi với các lao động trúng tuyển: “Các bạn cần tập trung vào 2 điểm lớn: kỷ luật và sức khỏe. Điểm yếu của lao động Việt Nam là rất dễ vi phạm quy định, đi lệch các yêu cầu trong sản xuất nếu không có người hướng dẫn, giám sát. Phải có sức khỏe thì mới làm việc, phấn đấu đạt được thu nhập như mình muốn, mới có thể học, nâng cao trình độ tiếng Nhật”.
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn chăm chỉ với những tiết học đầu tiên về tiếng Nhật.
Trường nghề vào cuộc
Thêm một tín hiệu vui từ đầu 2019 khi công tác xuất khẩu lao động có sự tham gia của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn. Ngày 7.1, 2 lớp đào tạo tiếng Nhật miễn phí đã được khai giảng với 80 học viên. Phần lớn các học viên là sinh viên sẽ tốt nghiệp vào giữa năm 2019. Lớp tiếng Nhật này được triển khai dựa trên ký kết hợp tác giữa trường và Nghiệp đoàn YODOGAWA (Nhật Bản), Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam (Hiteco).
Ông Phạm Văn Tường, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, lý giải: “Cam kết việc làm, đầu ra cho sinh viên là một trong những nội dung của trường nghề chất lượng cao. Nhiều đơn vị đã đặt vấn đề tuyển dụng, xuất khẩu lao động với trường nhưng đều không hiệu quả bởi sinh viên không có thời gian để tìm hiểu, tin tưởng và mạnh dạn lựa chọn. Lần này, DN không đặt mục tiêu tuyển dụng lên hàng đầu, mà sẵn sàng phối hợp với trường tạo cơ hội học tiếng Nhật, tiếp cận với văn hóa, lối làm việc của DN Nhật Bản cho sinh viên, giúp các em có quyết định đúng đắn. Chúng tôi tin đây là bước đi bền vững, phù hợp với sinh viên của trường”.
Chưa thể nói gì nhiều vào thời điểm này, song sự háo hức, cố gắng của các sinh viên với tiếng Nhật trong những tiết học đầu tiên về bảng chữ cái tiếng Nhật cho chúng tôi một niềm tin về một thế hệ lao động trẻ dạn dĩ với con đường lao động tại các nước tiên tiến, phát triển như Nhật Bản.
NGUYỄN MUỘI