HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY KHỞI NGHĨA VĨNH THẠNH (6.2.1959 - 6.2.2019):
Ký ức ngày khởi nghĩa
60 năm trôi qua với bao nhiêu biến động, đổi thay nhưng ngày khởi nghĩa Vĩnh Thạnh vẫn còn in đậm trong ký ức của các chứng nhân. Ðặc biệt hơn, trong những ngày này, người dân Vĩnh Thạnh đang tự hào chờ đón Lễ kỷ niệm để cùng ôn lại truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường bất khuất của Ðảng bộ, quân và dân các dân tộc trên địa bàn huyện trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trung tâm huyện lỵ Vĩnh Thạnh hôm nay. Ảnh: LONG VŨ
Một lòng một dạ theo cách mạng
Đến bây giờ ông Đinh Dinh (SN 1932, ở làng M2, xã Vĩnh Thịnh) vẫn còn nhớ như in thời điểm lịch sử của những ngày đầu diễn ra cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh hào hùng. Thời điểm đó, ông Dinh là du kích xã. Ông nhớ lại trước khi cuộc khởi nghĩa diễn ra, chính sách dồn dân của Mỹ - Diệm diễn ra gay gắt trên toàn huyện. Thế nhưng, âm mưu đưa dân xuống các khu dồn quanh quận lỵ của địch đã đụng chạm trực tiếp đến mọi tầng lớp nhân dân Vĩnh Thạnh, gây những bức xúc, xáo trộn trong đời sống, sản xuất, nhất là tình cảm và tâm linh của người Bana. Thời điểm đó, đi đâu và ở bất cứ chỗ nào, dân cũng xôn xao bàn tán: “Nếu để Mỹ - Diệm dồn xuống quận thì người Bana có khác nào con trâu bị buộc chặt trong buổi lễ đâm trâu ăn thề. Thanh niên phải đi lính cầm súng bắn lại bà con làng mình. Phụ nữ bị hãm hiếp, người già không có con cháu nương tựa…”.
Ông Đinh Dinh kể lại những ngày đầu tham gia cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh.
Trước tình hình này, Huyện ủy Vĩnh Thạnh họp bàn biện pháp để tuyên truyền cho người dân thấy rõ âm mưu dồn dân của Mỹ - Diệm và lên kế hoạch không để người dân bị đưa xuống khu dồn.
Bà Đinh Thị Mai A (SN 1947, ở làng Tơ-lek, xã Vĩnh Hiệp) kể lại: Vào thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, tôi chỉ mới 12 tuổi nhưng vẫn không thể quên những cuộc cướp phá của Mỹ - Diệm. Chúng vào đốt làng, phá bỏ hoa màu, cướp gà, heo với mục đích muốn dồn dân lập ấp chiến lược. Thậm chí địch còn dụ dỗ người dân, cho gạo, muối, vật liệu sản xuất để đi theo chúng. Dù còn nhỏ nhưng tôi đã vác từng ngọn chông để các cô, chú cài bẫy địch vào làng cướp phá, tham gia các cuộc đấu tranh phản đối sự tàn bạo của địch. Dù bị đánh đập, dọa bắn, dọa giết nhưng người dân vẫn một lòng một dạ theo cách mạng nên kiên cường bám đất, bám làng.
Bà Đinh Thị Mai A bảo rằng, dù bị đánh đập, dọa bắn, dọa giết nhưng người dân vẫn một lòng một dạ theo cách mạng nên kiên cường bám đất, bám làng.
Đang ngồi kể say sưa, bà Mai A bỗng cất giọng hát tiếng Bana, rồi bà dịch nghĩa sang tiếng Việt và bảo đây là bài hát mà Ban cán sự quần chúng xã Vĩnh Hiệp thời điểm đó sáng tác. Bài hát vừa phát huy truyền thống đoàn kết đấu tranh bất khuất và tinh thần yêu nước, vừa nhắc nhở chớ lầm các âm mưu mua chuộc xảo quyệt của địch. Địch cho gạo như gài mang cung/Địch cho muối như gài bẫy/Cho giấy học như rấp đường/Địch cho rựa như giết mình/Đồng bào ta ơi! Chớ lầm âm mưu địch”. Rồi bà tiếp tục hát bài hát hô hào đồng bào bám trụ quê hương: Có thể đi được không?/Đi rồi xứ mình ai quản/Đu đủ, thơm mình ai dọn/Chuối, cau mọc dọc suối ai giữ?/Làng mình dây bìm bịp mọc chằng chịt/Vườn tược voi phá thành bãi lầy/Nếu đi dân làng sẽ tiêu tan/Chỉ đấu tranh mới giữ được rẫy rừng/Từ đó cuộc đấu tranh mới ngày càng mạnh.
Đường vào di tích lịch sử điểm Gộp Nước Ló (xã Vĩnh Thịnh).
Vùng lên khởi nghĩa
Già làng Đinh Lai (SN 1939, ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp) tham gia cách mạng lúc 16 tuổi, thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, ông là du kích xã. Ông Lai cho biết, trước chính sách dồn dân của Mỹ - Diệm, buộc người dân phải phá bỏ làng chuyển đến quận lỵ của địch sinh sống, với mục đích cách ly cách mạng với nhân dân. Chính vì vậy, ngày 6.2.1959, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, nhân dân 12 làng thuộc 2 xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo đã đồng loạt đứng lên chống lại chế độ Mỹ - Diệm. Nhân dân cắm chông rào làng, gài cung bẫy đá, lập phòng tuyến chiến đấu chặn đánh địch càn vào làng, đưa người già, phụ nữ và trẻ em vào làng bí mật. Sau đó phong trào lan tỏa ra khắp huyện. Nổi bật trong phong trào này là hoạt động vũ trang của du kích và nhân dân hai làng Tơ-lok, Tơ-lek chống lại ba cuộc càn của địch, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch, làm cho chúng hoang mang, khiếp sợ. Đỉnh cao diễn ra vào tháng 6.1959, đồng loạt hơn 50 làng của huyện Vĩnh Thạnh đã nhất tề đứng lên bẻ gãy các cuộc càn quét, đập tan âm mưu dồn dân của địch, giành quyền làm chủ trên địa bàn toàn huyện. Và ngày 6.2.1959, đã đưa phong trào cách mạng Vĩnh Thạnh bước sang thời kỳ mới.
Già làng Đinh Lai kể lại kỷ niệm cùng lực lượng du kích xã tham gia cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh.
Ông Đinh Dinh còn kể thêm: Để chống lại chính sách dồn dân của Mỹ-Diệm, dân làng Tơ-lok chúng tôi bàn với nhau sẽ bỏ trốn vào rừng và lập kế hoạch đối phó với các trận càn của địch. Sau Tết Nguyên đán năm 1959, dân làng di chuyển toàn bộ đồ đạc và lùa trâu bò lên trốn ở Gộp Nước Ló. Địch phát hiện và liên tục dụ dỗ dân trở về làng mãi không có kết quả nên quyết định mở các trận càn lên núi. Biết tin địch sẽ mở trận càn đầu tiên vào khoảng đầu tháng 2.1959, chúng tôi bàn bạc chia lực lượng phục kích ở ba điểm: đường cái chính, đường cái phụ và Gộp Nước Ló.
Đúng như dự kiến, địch đã men theo suối đi đến Gộp Nước Ló, lực lượng du kích mật phục dọc hai bên suối do ông Đinh Treng phụ trách. Toán đi đầu 5 tên bị bắn gục tại trận, trong đó có 1 tên chỉ huy. Bọn còn lại hốt hoảng chạy tán loạn, lập tức sa vào trận địa liên hoàn chông, thò, bẫy đá được bố trí hai bên suối, làm bị thương hàng chục tên. Trong ngày hôm đó, quân và dân làng Tơ-lok đã đẩy lùi cả 4 đợt tiến công của địch. Bị thiệt hại, bọn địch tiếp tục tăng viện để mở cuộc hành quân quy mô lớn vào các làng khác trên địa bàn huyện. Nhưng không những chúng không vào được làng mà còn bị du kích các làng đánh gây thiệt hại nặng nề.
Ông Dinh tâm sự: “Năm nào, cứ đến kỷ niệm ngày khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, tôi rất vui mừng vì được gặp lại những đồng đội cũ, ôn lại những kỷ niệm xưa và cùng nhau tự hào đã đóng góp một phần nhỏ công sức của mình trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước”.
Cuộc khởi nghĩa tiêu biểu
Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ghi nhận một mốc chuyển giai đoạn cách mạng quan trọng, góp phần đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh hòa nhịp với phong trào cách mạng toàn miền Nam trong cuộc đồng khởi lần thứ nhất. Cuộc khởi nghĩa đã kết hợp cuộc nổi dậy của quần chúng với việc chống càn, chống địch tái chiếm; phát huy được các hình thức tác chiến tại chỗ của du kích địa phương; kết hợp sự nổi dậy của quần chúng cách mạng với công tác binh vận; cao trào của quần chúng luôn đi đôi với sự phát triển của lực lượng vũ trang. Trong đó, đã tỏ rõ hình ảnh cao đẹp về tình máu thịt giữa Ðảng và quần chúng, với phương thức bốn cùng để cùng quần chúng làm nên cuộc khởi nghĩa.
Lịch sử Ðảng bộ huyện Vĩnh Thạnh, giai đoạn 1945-1975
Bài NGUYỄN PHÚC
Ảnh: VĂN LƯU