Quy Hòa - “Điểm hẹn” khoa học bên bờ biển
Khởi đầu với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), đến nay đã có thêm nhiều công trình nên vóc nên hình tại Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa (còn gọi là Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn). Nơi đây đã thật sự trở thành một điểm hẹn khoa học mang tầm quốc tế.
Từ khi GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam tại Pháp, đặt vấn đề xây dựng ICISE, đến nay đã tròn 10 năm. Hơn cả “giấc mơ” ICISE, mảnh đất Quy Hòa hoang sơ nay đã là một điểm đến hấp dẫn về khoa học. Để có được diện mạo hôm nay của Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn, bên cạnh tâm huyết của vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc, còn có quyết tâm lớn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Một góc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành. Ảnh: VĂN LƯU
CỘNG HƯỞNG & LAN TỎA
5 năm trước, ICISE được khánh thành với sứ mệnh làm cầu nối cho khoa học Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Từ bấy đến nay, tại ICISE đã diễn ra 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học khoa học chuyên đề với sự tham gia của hơn 3.500 lượt nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đạt giải Fields, 2 giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực Thiên văn học)…
Song hành với các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao, một nội dung khác được chủ nhân của “Gặp gỡ Việt Nam” chăm chút là những khóa học chuyên đề cho sinh viên, các buổi thuyết trình khoa học đại chúng, giao lưu trực tuyến, trực tiếp với các giáo sư đoạt giải Nobel. Và còn nữa, đó là Viện Nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE) gồm 2 nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết, Vật lý Neutrino - mô hình viện nghiên cứu tư nhân đầu tiên tại Việt Nam - với mong muốn tạo lập một môi trường làm việc quốc tế và nghiên cứu khoa học thực sự.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các công trình khoa học ở Tổ hợp không gian khoa học trong chuyến làm việc tại Bình Định tháng 5.2018. Ảnh: VĂN LƯU
TS Vật lý thiên văn Nguyễn Trọng Hiền (Viện Khoa học Công nghệ California, Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ), sau nhiều năm đồng hành với Gặp gỡ Việt Nam, đã khẳng định: “Không chỉ tạo được bầu không khí học thuật sôi nổi nhất thời, vợ chồng GS Vân còn mang ước vọng làm được điều lâu dài cho giáo dục khoa học Việt Nam. Và điều đó nay đã thành sự thật, khi ICISE hình thành và đang đóng vai trò hạt nhân cho các sinh hoạt giáo dục khoa học đại chúng tại đây”.
Vậy là, mảnh đất Quy Nhơn - Bình Định đang dần xuất hiện trên bản đồ khoa học thế giới như một điểm đến hội tụ những nhà khoa học hàng đầu, các tập đoàn, trường đại học lớn trên thế giới.
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng (hàng trước, thứ 4 từ phải sang) trong chuyến thăm, làm việc tại ICISE tháng 7.2018.
Trước đó, năm 2014, UBND tỉnh đã quyết định dành hơn 240 ha đất tại Quy Hòa để quy hoạch khu đô thị khoa học và giáo dục đầu tiên tại Việt Nam. Lấy ICISE làm “hạt nhân”, khu đô thị trong tương lai sẽ có các hạng mục vệ tinh là các viện nghiên cứu, các trường đào tạo chất lượng cao, công viên khoa học, trung tâm nghiên cứu và sản xuất phần mềm… Tiếp liền với ICISE, Tổ hợp Không gian khoa học, Trung tâm Khám phá khoa học - bước đi đầu tiên của khu đô thị khoa học và giáo dục, gồm nhà chiếu hình vũ trụ, khu khám phá khoa học và đài quan sát thiên văn phổ thông cũng sắp hoàn thành.
Toàn cảnh Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn. Ảnh: ICISE
BỆ PHÓNG CHO TƯƠNG LAI
Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn đang bắt đầu chào đón những dự án mới. Tháng 6.2018, TMA Solutions - công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam, đã mở chi nhánh đầu tiên ngoài TP Hồ Chí Minh, ngay tại Bình Định. 2 tháng sau,TMA khởi công xây dựng Công viên Sáng tạo TMA Bình Định với vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng để chuẩn bị cơ sở vật chất cho 3.000 kỹ sư làm việc.
“Việt Nam đã đến thời kỳ phải đầu tư nhiều cho khoa học. Tôi nhận thấy tại các nước đang phát triển, người giỏi hay đi ra nước ngoài, như các bạn hay gọi là “chảy máu chất xám”. Có nền khoa học tốt sẽ là môi trường tốt cho người giỏi ở lại, như thế chúng ta sẽ phát triển được. Các bạn cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, và ICISE của GS Vân là cầu nối rất tốt. Hợp tác quốc tế sẽ là công cụ quan trọng cho sự phát triển khoa học nước nhà”.
GS HERWIG SCHOPPER, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Hạt nhân châu Âu (CERN)
TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT TMA Solutions, chia sẻ: Với Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn đang hình thành, các bạn trẻ tại Bình Định có cơ hội để làm việc ngay tại quê hương và đóng góp cho sự phát triển của công nghệ cao tại miền Trung. Công viên Sáng tạo TMA sẽ giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lĩnh vực này vào Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn, biến nơi đây trở thành một khu đô thị khoa học và giáo dục hàng đầu.
Một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ khác cũng đang khảo sát để đầu tư vào Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn. Sự kiện Liên minh các doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam với hơn 20 doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng... đến Bình Định tìm hiểu đầu tư vào tháng 11.2018 là minh chứng sống động.
GS Trần Thanh Vân cho biết, thời gian tới Trung tâm Khám phá khoa học sẽ tiếp tục xây dựng hạng mục Đài quan sát thiên văn phổ thông. Hội Gặp gỡ Việt Nam đã lên kế hoạch và tư vấn để Trung tâm Khám phá khoa học mua và đưa nhà chiếu hình vũ trụ di động (dạng bơm hơi) về vùng nông thôn nhằm tạo điều kiện cho trẻ em ở các địa phương xa Quy Nhơn có điều kiện tiếp cận với khoa học, khơi gợi niềm đam mê khám phá và tình yêu khoa học của các em. Về phía ICISE, công trình khách sạn Vì Khoa học đang được triển khai để từng bước hoàn thiện quần thể các hạng mục tại ICISE, phục vụ tốt hơn cho các hội thảo, hội nghị quốc tế và các hoạt động khoa học và công nghệ khác tại khu đô thị.
“Chúng tôi mơ một ngày nào đó Quy Nhơn trở thành một thành phố tinh hoa về khoa học và công nghệ như TP Princeton của Mỹ. Dù mơ ước này còn xa vời, nhưng chúng ta có tiềm năng để xây dựng giấc mơ thành hiện thực. Chúng tôi nguyện là “người phu lát đường” để xây dựng những viên đá đầu tiên cho con đường mơ ước này”, GS Vân bày tỏ.
THU HIỀN